Một thoáng Huyền Không

15/12/2012 | Chuyên mục: VĂN . 3254 Lượt xem

Tôi trở lại Huyền Không sau năm năm lưu lạc tầm cầu chân lý nơi chốn phồn hoa đô hội. Năm năm không phải là dài so với một đời người, nhưng nó cũng đủ để cho con người ta nhận chân được một điều gì đó trong cuộc sống; dẫu rằng nó chẳng phải là một cái gì đó cao siêu, nhưng nó cũng đủ sức mạnh để cho người ta vượt lên khỏi những gì đang trói buộc, kìm hãm, để vươn tới một cái gì đó thanh cao hơn…

Nhớ lại ngày ấy khi còn là học tăng của học đường Báo Quốc – Huế, tôi cũng thường nghe nói đến một ngôi chùa nằm tít ở tận trong núi; thoạt mới nghe, tôi không có hứng thú và cảm tình lắm, bởi với tôi lúc đó chùa là phải ở ngay trong thành phố hay xóm làng, chớ chùa mà nằm ở núi thì chỉ lo tu cho mình chớ nào độ được ai! Tôi đi tu nhưng thú thật tôi không thích những tư tưởng lánh đời, mà với tôi, vai trò của tu sĩ, là “sứ giả của Như Lai” là phải “thị hiện” để “cứu nhân độ thế”, lấy nỗi khổ của chúng sanh làm nỗi khổ của mình. Cũng bởi mang sẵn dòng máu “yên hùng” đó, nên khi rời học đường Báo Quốc tôi hồ hởi xin vào Sài Gòn hoa lệ với bao dự tính cho tương lai, nào là mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu, hay là một vị giảng sư tầm cỡ… Những khát vọng hão huyền ấy được tôi thêu dệt trên bầu trời vọng tưởng của tâm thức. Và rồi sau mấy năm trời lặn lội tầm cầu, nhưng rốt cuộc khổ đau và phiền não vẫn ngập tràn trong tôi! Chao ôi! Tôi cảm thấy con đường trở về của mình sao quá mông lung huyền hoặc, bến đỗ dừng chân vẫn chỉ là một ảo ảnh giữa chốn mù khơi. Có một câu nói của ai đó rất hay rằng: “Khi nào con người không còn nhận ra được chính mình, thì lúc đó con người mới khát khao được trở về với chính mình.” Và tôi cũng nhớ ngày xưa còn bé, mẹ tôi thường dạy tôi rằng: “Trước khi đi ngủ con phải rửa mặt cho sạch, nếu con để mặt bẩn thì khi ngủ hồn đi ra khỏi xác, khi trở về thấy mặt con bẩn, nó sẽ không nhập vào con nữa và con sẽ chết.” Lời dặn đó như lời nhắc nhở trong suốt thời thơ ấu của tôi, nghĩa là tôi luôn luôn giữ khuôn mặt sạch sẽ trước khi đi ngủ, để giữ hồn mình ở lại. Lớn lên rồi đi tu, lâu dần, tôi quên khuấy lời dặn của mẹ, để dính quá nhiều lớp bụi trần ai để rồi đến lúc này tôi không còn nhận ra mình nữa. Buồn chán và thất vọng, tôi lần tìm trong ký ức của mình và trong những lần trầm tư suy tưởng, không hiểu sao tôi lại nghĩ về ngôi chùa Huyền Không (trước đây tôi đã  ghé thăm hai lần). Tôi nghĩ về vị sư trụ trì  – một vị sư quắc thước tinh anh – theo tôi được biết, ngoài sự tu hành  nghiêm mật, sư còn giỏi về các lãnh vực nghệ thuật như: làm thơ, viết văn, thư pháp… Và thế là tôi lại bắt đầu cuộc hành trình từ Sài Gòn trở lại ra Huế; vượt qua cái nắng xứ Huế chói chang oi ả, tôi đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng. Trước mắt tôi cảnh vật Huyền Không thay đổi ngoài sức tưởng tượng so với mấy năm về trước. Con đường gồ ghề sỏi đá vào chùa năm xưa nay được thay thế bằng con đường rộng rãi, quang đãng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi sừng sững hiên ngang như những lá bùa để ngăn che những lớp bụi trần chẳng cho xâm nhập. Tôi không thông hiểu về phong thủy nhưng nhìn ngôi chùa được bao bọc bởi những dãy núi xung quanh sao bỗng dưng tôi cảm thấy lòng mình ấm lại, can đảm và tự tin hơn. Bước tới sân chùa, tôi sửa soạn vào chánh điện lễ Phật. Ngôi chùa thật nhỏ nhắn khiêm cung, được thiết kế bằng toàn gỗ, xung quanh treo những giò phong lan và những bài thơ giản dị được thể hiện dưới nét bút phóng khoáng, tao nhã. Thơ hòa trong chữ, chữ khép mình trong hoa: chúng hòa quyện vào nhau như những linh hồn bé nhỏ tìm đến với nhau để tạo nên một sức sống mãnh liệt khiến tôi quên đi tất cả những mệt mỏi trong lòng. Và một điều thú vị nữa là khi vừa bước chân lên hiên chùa thì tôi bắt gặp ngay hai dòng chữ được sư trụ trì viết rất tế nhị và chứa chan đầy chất thiền đạo: “Xin khách để bụi dưới thềm, cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa”. Đọc xong hai câu thơ, tôi bàng hoàng tự hỏi, thì ra là lâu nay mình đi tu, khoác áo nhà sư nhưng lại mang quá nhiều bụi bặm ở trong lòng, thành thử ra mình cứ ươm hoài hạt giống Phật nhưng chẳng thấy nó nở hoa, mà chỉ thấy nở toàn phiền não, sân si, tật đố…; và như vậy, mình chưa hẳn là kẻ thực tu, bởi cứ lo chạy vạy tìm kiếm đủ thứ ở bên ngoài, mà ít khi nào mình quay về tìm kiếm cái ở bên trong mình cả! Đến bây giờ, tôi mới thấm thía cái giá trị của những bậc ẩn tu: ẩn tu mà không phải trốn đời, vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời bằng con tim lặng lẽ không huyên náo, không khoa trương – nó khiêm cung từ tốn, ẩn kín như những đóa lan rừng ẩn dật. Tôi nhớ đến bài thơ “Kính tặng sư Viên Thành” của nhà sư Thanh Tịnh, trong đó có đoạn:

“Một mái am tranh bạn cổ tùng

Bốn mùa sương khói tỏa mông lung

Bên đồi dương vắng, dòng khe vắng

Có kẻ giang hồ muốn nghỉ chân.

Ơi! Đạo sĩ ơi tôi đến đây

Van xin chút rượu gội đêm say

Tôi người mê muội ham cùng cả

Coi nhẹ trăm năm hận một ngày!

Tôi đứng lặng yên trước chánh điện để cho bụi trần rơi lả tả dưới thềm rồi bước vào chánh điện. Chùa ở đây thờ duy nhất chỉ có một đức Bổn Sư không sơn phết lòe loẹt, không bàn nọ bàn kia, làm cho tôi cảm thấy cái khoảng cách giữa mình và đức Phật như được ngắn lại. Nhìn vẻ mặt trầm mặc của đức Phật tôi mới cảm thấy được cái mong manh, cái bấp bênh của phâïn người. Ôi! Cái kiếp con người sao quá ngắn ngủi, vậy mà nào đã mấy ai biết dừng lại để nhìn nhận và sống trọn vẹn trong giây phút mà mình đang hiện diện, mà cứ long đong xuôi ngược trong tầm cầu và khát vọng! Nhớ Ngộ Không khi xưa đạt bảy mươi hai phép thần thông mà cũng chưa ra khỏi bàn tay của đức Phật, vậy thì cái năng lực cạn cợt của con người bây giờ có thấm vào đâu mà vẫn cứ lăng xăng tìm kiếm, vẫn muốn vượt qua lời dạy của đức Phật?

Lễ Phâït xong, tôi đi dạo xung quanh khuôn viên chùa. Tất cả được bao phủ bởi một màu xanh mát dịu của cây cối xanh tươi. Tôi nghĩ rằng cây cối chắc cũng tận hưởng được rất nhiều những năng lực của từ tâm được tỏa ra từ Chư Tăng ở đây nên chúng mới xanh tốt như vậy. Phía sau cốc “Am Mây Tía” của sư trụ trì được thiết kế một dòng suối nhân tạo chảy rì rào, róc rách, tôi ngồi nghỉ ở một tảng đá ngắm nhìn những chú cá đang cố sức bơi lượn giữa dòng chảy rồi liên tưởng chắc chúng cũng phải cảm nhận được một điều gì thích thú khi chúng bơi ngược giữa dòng mà không chịu xuôi theo dòng chảy! Và tôi nghĩ, thì cũng giống như người tu vậy, bởi tu cũng giống như người lội ngược dòng, nếu mình vững chải và can đảm thì mình sẽ đi giữa dòng đời cát bụi để cảm nhận và dâng hiến, còn nếu không thì cũng sẽ xuôi dòng như bao con người vậy.

Nãy giờ mãi trầm ngâm trong dòng suy tưởng mà tôi không để ý có sư trụ trì đang nằm võng gần đó, tôi rụt rè đi tới bên sư, đảnh lễ và ngồi hầu chuyện. Qua câu chuyện, tôi càng hiểu về con người của sư hơn, và tôi hiểu tại sao sư lại dồn hết tâm lực của mình để kiến tạo khuôn viên chùa Huyền Không Sơn Thượng này. Sư nói:

– Con ạ! Con người mình nếu không biết quay về với đời sống thiên nhiên, cứ o ép mình trong bốn bức tường của xi-măng và cốt thép, cùng với những văn minh của khoa học vật chất, thì chẳng bao lâu con người sẽ trở nên thô cứng, thực dụng, như những cỗ máy rô-bốt thôi. Con hãy nhìn lại xem đức Phật Thích Ca của chúng ta, từ lúc đản sanh cho đến khi nhập diệt, ngài luôn sống với môi trường thiên nhiên của rừng, của vườn cùng cỏ cây, hoa lá…; đó là một bài học, một bức tranh tâm linh toàn mỹ đáng để cho nhân loại và nhất là người tu chúng ta cần học hỏi.

Ôi! Quả đúng là cái nhìn của bậc cao nhân ẩn sĩ. Mắt tôi rưng rưng ứa lệ, trong lòng dâng lên niềm xúc cảm vô biên; và tôi còn được biết rằng trong tương lai không xa, sư sẽ mở một rừng thiền ở tại nơi này. Cầu mong cho hạnh nguyện của sư sớm trở thành hiện thực. Bởi như trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

“Nông thôn hay thành thị

Làng mạc hay rừng núi

Nơi nào La-hán ở

Nơi đó được tịnh lạc”.

 

ĐỨC TUỆ