Bức họa mồ côi

18/12/2012 | Chuyên mục: VĂN . 2926 Lượt xem

Trời ngả về chiều. Ánh hoàng hôn dần tắt. Nơi chân trời, những tia sáng màu huyết dụ của tà dương tỏa ra như một chiếc quạt khổng lồ nhuốm lên nền trời và mặt đất một màu nến cô liêu. Dần dần chỉ còn một dải hồng mỏng mảnh ánh lên một áng mây xốp đứng im lặng, tựa hồ như kiệt sức. Cảnh vật cô tịch, buồn sâu lắng. Gió dịu nhẹ mang âm hưởng của nỗi cô đơn vỗ về.

Sơn mệt mỏi ngồi xuống bên một gốc cây già. Một làn gió thoảng. Một chiếc lá bay. Cô độc. Tâm hồn Sơn mơn man, phiêu bồng. Nỗi ngao ngán, chán chường xâm chiếm con tim. Ý tưởng buông trôi, tuyệt vọng. Cả một buổi chiều lang thang trong nỗi cô đơn gặm nhắm, Sơn thấy mình bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời. Bên cạnh sự xa hoa, tráng lệ của phố xá là bộ mặt đau thương, tàn tạ của đói kém, bất công, vật chất… Sơn nghe văng vẳng bên tai một bản nhạc, lời lẽ không đâu vào đâu, chẳng có ý nghĩa gì. Sơn thấy đầy đường những đứa trẻ chỉ biết lao đầu vào game, vào chat. Tâm hồn tuổi thơ bây giờ mất mát, lỗ lã nhiều quá tuy rằng vật chất có đủ… Sơn nhìn ái ngại; thương cho chúng nó cũng như cho chính bản thân mình. Người lớn dường như quay lưng với thiên đàng tuổi thơ. Họ mãi lo những cái gì cao cả hơn!? Làm sao hàn gắn và xoa dịu bao vết thương đang lở loét? Sơn nghĩ lại thân phận mình – thật vô vị, chán ngắt. Cuộc sống mông lung, trước mắt sương mù dày đặt, sau lưng bóng tối phủ giăng. Ôi, lý tưởng – hai chữ ấy luôn gợi cho Sơn sự mỉa mai, chua xót.

Là một họa sĩ lang thang, với Sơn chưa có niềm vui nào trọn vẹn mà nỗi buồn thì luôn ray rức, triền miên. Những lúc thơ thẩn dưới mưa, Sơn đếm từng hạt nước buông rơi mà nghe lòng mình hụt hẫng. Những chiều buồn, Sơn trầm ngâm nhìn rừng cây tịch mịch; gió miên man ru sầu rười rượi. Đôi lúc, Sơn muốn ném phăng dĩ vãng, chối bỏ hiện tại và quên lãng tương lai nhưng không thể được. Mồ hôi nhỏ giọt theo bước chân sỏi đá, cát bụi. Năm tháng sờn vai qua nắng cháy, mưa chan. Kiếp sông hồ, Sơn ôm trọn nỗi cô đơn dai dẳng. Sơn thấy mình như cánh chim trong giông bão bị gãy cánh. Trắng đôi tay và chết nửa tâm hồn.

Sơn nhớ về những ngày vẫy vùng với gió lộng trời cao, với bao mộng ước cháy bỏng và niềm tin mãnh liệt. Những ngày xuân tuyệt diệu khi niềm hy vọng chớm nở, bầu trời sâu vô tận và đàn chim tung bay thẳng cánh.

Sơn rất yêu những buổi ban mai. Buổi ban mai của ngàn sương – mang trong mình hơi thở khỏe khoắn của đất – kết nụ tinh anh, điểm xanh trên cỏ non, dát bạc vào lưng lá, phẩy hồng trên cánh hoa… Và trong mỗi hạt sương phản chiếu muôn ngàn hạt sương khác – ngàn ánh lung linh. Cái tinh chất của thiên nhiên bỗng truyền vào con người Sơn. Cả thể chất và tâm hồn Sơn như được tắm trong sương. Bao hình ảnh vụt qua cuồn cuộn như dòng nước trắng xóa. Sơn ngắm nhìn, bằng con mắt và cả tâm hồn, những hạt sương nhỏ bé, trong suốt như pha lê. Và mặt trời nhỏ bé phản chiếu trong đó; cả Sơn nữa, nhỏ bé, cũng phản chiếu trong đó. Một hạt sương có cả hồn vũ trụ.

Với Sơn, sự sống luôn toát lên vẻ đẹp kỳ diệu, vô song của tạo hóa, của niềm say mê, bay bỗng tự nhiên. Sơn cảm thụ, chụp bắt tất cả những vẻ đẹp trong khoảnh khắc với sự thán phục cao quý của nghệ thuật bất diệt.

Như dòng thác ồ ạt, ngầu bọt đổ tung tóe xuống những khối đá, mạnh mẽ và bạt mạng; như bản tính thèm khát cảm giác không bao giờ biết chán khi ngắm nhìn khoảng trời bao la, tự do và dũng mãnh; như cánh thảo nguyên rung chuyển căng nhựa sống, hừng hực một ánh sáng xanh lè chói chang, giật mình trong tiếng sấm vang rền ầm ầm chuyển đi; như ánh trăng dịu mát phủ xuống những đỉnh núi thâm u, tịch lặng ngàn năm một màn sa mỏng – người ta có cảm tưởng tạo hóa bừng tỉnh giấc, nín thở để làm mẫu cho người họa sĩ trong phút giây sáng tạo.

Rồi dường như những lời than vãn của bao thế kỷ nhập vào ngực Sơn, hiện lên bóng dáng của hồi ức bị quên lãng thành những nét họa bạo hùng sự cô đơn muôn thuở và sự trùng lặp đáng sợ của cuộc sống. Sơn dùng những nét họa để tự tìm hiểu mình, khám phá mình, đối diện với mình. Sơn muốn có một cuộc sống thanh cao, trong sáng nhưng lại luôn âm ỉ trong lòng niềm khao khát và ham muốn trần tục. Sơn hăm hở hướng đến cái đẹp, cái thiện nhưng lại luôn phải chịu đựng và chiến đấu với những dục vọng vật chất tầm thường.

Chết đi những ảo tưởng. Chết đi những hy vọng hảo huyền. Chết đi những niềm tin thác loạn. Chết đi tất cả… Ôi, cô độc. Con đường ấy dường như chỉ một mình Sơn đi. Bạn bè không ai hiểu Sơn. Sơn sống trong đau thương, dằn vặt. Bi kịch và đau khổ – đó là cái giá quá đắt mà Sơn phải trả.

Nhưng giờ đây Sơn đã thua trong cuộc chiến đấu nghiệt ngả với bản thân, với cuộc đời. Sơn cười ra nước mắt và âm thầm uống cạn chén đắng cay.

Trời đã bắt đầu sẩm tối. Đêm từ từ buông xuống. Bóng tối – ẩm ướt và rét mướt – mỗi lúc một dày đặt, gieo vào lòng Sơn nỗi cô độc và sự trầm mặc, ngăn cách. Bóng tối – hiện thân không lời của sự mỉa mai – đang mỉm cười một cách bí ẩn, lạnh lùng với Sơn qua bức màn quá khứ, hình ảnh hiện tại và khát vọng tương lai. Lòng Sơn trĩu nặng, phẫn uất, quằn quại; chân cứ bước mà không biết về đâu. Tiếng sỏi rào rạo dưới những bước chân như đay như nghiến. Tâm hồn trống rỗng một cách rõ rệt và tàn nhẫn. Sơn thả hồn về khoảng thời gian hồn nhiên, bé thơ – một vài hình ảnh vụn vặt còn sót lại trong ký ức: “Sơn à, nếu con đứng mà lưng không thẳng thì hãy cứ ngồi để giữ gìn ngọn lửa ngạo hùng cháy mãi…” Sơn mơ màng thấy những con đường làng đất đỏ heo hút, thấy mảnh vườn trái cây thân thương. Nơi ấy có lẽ người cha năm xưa đang đợi Sơn quay về.

 

Vào đầu những năm tám mươi, nơi một ngôi làng hẻo lánh mới được khai hoang theo trào lưu kinh tế mới bỗng xuất hiện một người đàn ông trung niên có gương mặt hung tợn, trên tay ẳm một đứa con nhỏ chưa dứt sữa. Dân làng không một aiTbiết ông từ đâu đến; chỉ thấy ông ngày này sang ngày khác đi đến nhà nào có con nhỏ để xin sữa cho con ông. Trong hoàn cảnh ai cũng nghèo khổ nên dân làng đã bảo bọc, che chở cho nhau. Lúc đầu thấy dáng vẻ ông, họ cũng e sợ, dè dặt. Nhưng sau đó thấy ông vô hại, tội nghiệp nên họ đã cùng nhau dựng cho ông một mái nhà tranh và cắt cho ông một mảnh vườn nhỏ để ông sinh sống. Hằng ngày ông gởi con cho hàng xóm trông hộ để đi làm thuê, làm mướn. Sau đó ông khai hoang được một mảnh rẫy màu mỡ để trồng cây ăn quả. Dần dà ông cũng tạo dựng được một cơ ngơi đủ để ông sinh sống và nuôi dạy đứa con.

Thằng Sơn con ông ngày một khôn lớn. Nhưng trông nó thật mảnh khảnh, ốm tong teo như một nhánh cây khô. Đôi mắt nó trong vắt, to đen, và sâu thẳm luôn mang một vẻ đăm chiêu. Ông ra sức làm lụng để kiếm tiền cho nó ăn học đến nơi đến chốn, hầu nở mày nở mặt với đời. Ông muốn chuộc tội và đền bù cho nó. Không phụ lòng mong mỏi của ông, đứa con ra sức học tập và luôn có được thành tích nhất nhì trong lớp.

Tuy có một vẻ mặt hung tợn nhưng ông là người trầm mặc, bí hiểm, ánh mắt luôn ẩn chứa một quá khứ đau thương. Đứa con nhiều lần hỏi ông về mẹ nó nhưng ông chỉ đáp một câu gọn lỏn “Mất rồi”. Thấy vẻ mặt hung tợn của ông, nó sợ, không dám hỏi nữa. Nhưng trong lòng nó luôn nghi ngờ về quá khứ của gia đình. Mặc dù đôi lúc thấy tủi thân nhưng, như ảnh hưởng sức mạnh nội tâm từ ông, nó sẵn sàng chấp nhận và chờ cơ hội, miễn sao ông vui lòng là được.

Rồi một ngày, Sơn hớn hở mang về cho ông một học bỗng vào trường đại học mỹ thuật. Ông rất tự hào về Sơn, nó đã không phụ sự kỳ vọng của ông. Sau đó, ông phải chuẩn bị hành trang để đưa Sơn lên Sài Sòn tiếp tục học tập vì nơi tỉnh nhà chưa có trường đại học nào. Sơn đi rồi, ông trở nên lặng lẽ hơn, ít nói hơn; và trong thâm tâm luôn thấp thỏm chờ đợi…

…Vừa tốt nghiệp đại học xong, Sơn vội vã về quê để báo tin mừng cho ông. Hơn một năm trường, Sơn đã không về nhà được vì mãi vùi đầu vào sách vở để chuẩn bị kỳ thi. Mỗi lần về thăm nhà, Sơn thấy ông ngày một hốc hác, gầy đi. Sơn rất thương ông vì chỉ biết mỗi ông là người thân duy nhất trên đời. Ông ôm con vào lòng, niềm vui trộn lẫn trong những hạt nước mắt. Sau khi nghe Sơn báo tin vui, ông như trút được gánh nặng. Ở nhà ông ra sức làm lụng, chắt chiu từng đồng từng cắc để gởi lên cho Sơn. Ông luôn mong mỏi một ngày con ông sẽ thành đạt.

Sơn rất yêu mảnh vườn trái cây. Lần nào về thăm ông, Sơn cũng ra thăm nó. Bởi suốt khoảng đời tuổi thơ, Sơn đã gắn liền với nó. Bao ngày sống ở phố thị náo nhiệt, giờ đây Sơn ngây ngất trong không khí mát dịu, thoáng đãng của miền quê trong lành yên ả. Làn gió nhẹ mơn man ru Sơn vào giấc ngủ sau một chuyến đi vất vả…

… Dòng ký ức hiện về như hơi thở của đêm nhè nhẹ thấm vào từng thớ thịt, từng mạch máu của ông. Ông thấy mình cô độc ghê rợn, cảm thấy bị vất bỏ vĩnh viễn ra rìa cuộc sống đã sản sinh ra dòng máu đang chảy trong người ông. Nỗi đau như hạt cát dưới lòng biển sâu, ngàn năm trước và ngàn năm sau vẫn mãi là một cõi im lặng vĩnh hằng. Ông nhớ cái đêm thằng Sơn bỏ ông ra đi, trời mưa như trút như những bước chân nó chạy trốn, rồi chìm nghỉm, tan biến vĩnh viễn. Nó đã không chịu nổi một sự thật đau đớn – một cú sốc quá mãnh liệt.

Ông vẫn ngồi bất động nơi chòi lá trong vườn trái cây của ông. Dạo này, ông hay ra vườn ngồi suốt đêm. Thời gian trôi qua thật chậm. Hai hạt nước khô khốc ứ đọng trên đôi mắt trắng đục rồi nhạt nhòa theo những nếp nhăn. Ánh mắt ông xa xăm nhưng không nhìn thấy gì cả. Với ông, đêm hay ngày cũng chỉ là một – đều là bóng đen cả. Ông bị mù lòa từ sau cái đêm thằng Sơn bỏ đi…

Bầu trời yên tĩnh. Bỗng một cơn gió mạnh giật những chiếc lá vàng ném đi không thương tiếc. Ông lẩm bẩm một mình: “Không biết rốt cuộc đời người là gì nhỉ?” Ông lại cảm thấy khó thở.

Dạo này ông rất yếu. Ông thấy mình không sống được bao lăm nữa. Ông không muốn ra đi lúc này khi mà thằng Sơn con ông vẫn biệt tăm biệt tích.

Làn sóng ký ức xâm chiếm tâm hồn ông. Bao dĩ vãng vụt lướt qua. Cái dĩ vãng xa xăm ngăn cách với hiện tại bằng cả một bức tường dày cộm, rêu phong. Ông đã từng là một tay anh chị qua hai mươi năm giang hồ du đãng. Ông nhớ về thuở ấu thơ, ông cũng có cha, có mẹ, có một làng quê yên bình bên triền núi, ôm ấp trong lòng một con sông nhỏ nằm ẩn mình dưới lũy tre xanh. Ông nhớ về mẹ, người có đôi mắt dịu hiền, gương mặt phúc hậu với những lời ru ngọt ngào, âu yếm. Ông nhớ về cha, người có ánh mắt nghiêm nghị luôn ẩn chứa một tình thương sâu kín, thầm lặng. Ông thấy mình như đang sống lại trong không khí gia đình đầm ấm, thân thuộc… Nhưng ông đã mất tất cả chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Ôi, chiến tranh tàn khốc! Ôi, số phận oan nghiệt đã đưa ông đến với cuộc đời nhơ nhớp dưới danh nghĩa một người thợ săn.

Ông nhớ như in cái đêm hôm ấy – cái đêm đã chuyển hướng cuộc đời ông. Lúc ấy, ông đang nằm phục để săn thú rừng – một con tê giác. Nhưng oái oăm thay, ông lại bắn vào một người thiếu phụ. Trước khi chết người đàn bà ấy đã trao cho ông thằng bé còn đỏ hỏn mà không kịp nói lời nào. Ông ôm thằng nhỏ trên tay mà trong lòng ngổn ngang. Ông nhìn nó, cái nhìn tinh tường, đăm chiêu, quái đản. Ông thấy trước mắt mình một số phận đã rơi vào nanh vút chó sói của ông. Ông cảm thấy muốn xoay trở cuộc đời ấy thế nào cũng không được. Ông kiêu hãnh đau đớn mà nghĩ rằng số phận ấy đã thuộc về ông. Nhưng ông đã tự đánh lừa mình, vì chính cuộc đời đó đã xoay chuyển cuộc đời ông; cuộc đời ông đã rơi vào bàn tay nó từ dạo đó. “Nó mới thật dễ thương làm sao! Ta thương nó mất.” Cuối cùng, mọi kích động trong người ông hòa lại làm một, biến thành một cái gì giống như tình cha con ruột thịt.

Trước cảnh bao la của núi rừng, lòng ông dấy lên một tình thương rộng lớn, ấm áp choáng hết tâm hồn, tẩy rửa những nhơ nhớp của bao năm du đãng đã ăn sâu vào huyết quản. Trên bầu trời một áng mây im lìm như đang nghiền ngẫm. Sự im lặng huyền bí của núi rừng, của bầu trời mênh mông ấy đã thuần hóa những gì độc ác, khơi dậy trong ông sự bình tĩnh tâm hồn. Ông muốn yêu thương cuộc sống, yêu thương tất cả mà không cần hiểu tại sao. Ông trân trọng tình cảm ấy và thấy mình trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Bầu trời nhìn xuống cảnh vật với hàng triệu con mắt vàng lấp lánh – những vì sao thuần khiết – khơi dậy những ước vọng cao cả trong con người ông. Ông ngâm lên khe khẽ, ư ử trong cuống họng như nuốt từng lời bài ca mà bao năm qua ông đã quên lãng. Ông đi đến một quyết định. Hôm sau, ông từ bỏ nơi ấy ra đi sau khi chôn cất người đàn bà tử tế. Chôn vùi quá khứ nhơ nhớp và ước mơ xây dựng một cuộc đời mới…

Thế mà thằng Sơn con ông lại không chấp nhận ông… Ông lại ho, tắt nghẹn như cố nín lại. Tiếng ho khản đặc, ngột ngạt buộc ông phải nhổm người lên, và nặn từ khóe mắt trắng đục ra hai giọt nước lớn. Ánh sáng mập mờ của những vì sao xuyên qua bóng lá chiếu trên gương mặt ông những chấm lốm đốm kỳ dị. Mái tóc bạc lưa thưa. Cặp chân mày hung đỏ, sưng húp luôn hấp háy. Chòm râu tàn tạ với cái miệng đang méo máo trong cơn ho. Đôi mắt mở thao láo nhìn vào khoảng không đen ngòm ẩn chứa một nỗi cô độc da diết.

 

 

Sơn ngồi lặng lẽ trước mặt ông. Những ký ức vụn vặt của ngày xưa đã kéo Sơn quay về quê cũ. Ngôi nhà vắng tanh, lạnh ngắt như lòng Sơn. Hoang mang, hụt hẫng, Sơn vội chạy ra vườn… Nhìn thấy ông, bao cảm xúc dồn dập, Sơn không thốt được lời nào. Sơn thờ thẫn đến ngồi trước mặt ông. Ông không nói lời nào, chỉ nhìn Sơn trừng trừng vô hồn, không chớp mắt… Nhưng tay ông lại quờ quạng tìm tẩu thuốc nằm sờ sờ trên bàn. Sơn hiểu ông đã mù. Sơn không biết gọi ông bằng gì nữa. Hai mươi năm lang bạt không làm Sơn thốt lên được tiếng “cha”. Sơn thấy thương mến ông kỳ lạ, như một người bạn già, như một người cha. Nhưng Sơn vẫn không thể. Sơn cảm nhận được nỗi cô độc của ông cũng như nỗi cô độc đang chảy trong mạch máu mình. Bất giác Sơn thấy gương mặt ông đẹp như một tượng thần. Bàn tay Sơn lần tìm đến cây cọ…

Con người họa sĩ trong Sơn bỗng hồi sinh. Sơn vẽ vấp váp với nỗi quay quắt, vỡ òa – niềm cô độc của một giấc mơ đóng băng. Những đường nét cong queo, lặng câm. Bao ký ức lạc loài, lay lắt. Như hiện về âm bản của thời gian, của không gian – Sơn úp mặt vào nỗi cô đơn, khe khẽ nấc…

– Anh vẽ xong chưa – Ông mơ màng hỏi.

Sơn giật mình, đánh rơi cây cọ.

– Hà, anh tưởng già này không biết phỏng? Tuy già này mù nhưng tai già còn rất thính. Hẳn anh là một họa sĩ? – Ông im lặng trong giây lát – Thằng con già cũng là một họa sĩ… – Ông dừng lại, thở ra yếu ớt – Già muốn để lại cho thằng con già một tặng phẩm. Lỡ nó có về thì cũng còn có cái để mà nhìn thấy… Mà thôi, anh cứ vẻ tiếp đi – Giọng ông thều thào.

Sơn chết lặng. Sơn muốn hét to lên trong uất nghẹn. Nhưng hơi thở như đêm đen chìm sâu xuống, mọi thanh âm hóa đá. Anh chỉ biết cầm cây cọ lên và tiếp tục vẽ…

Con người Sơn như hiện nguyên hình, như cảm ứng với sức sống nghệ thuật bất diệt, bừng bừng ngọn lửa. Nét ngang im lặng, trầm tư – dịu dàng uyển chuyển như bóng thinh không, phiêu lãng như sợi khói xanh xao động cung mây. Nét dọc mãnh liệt, bốc cháy – mạnh mẽ như con thú hoang lạc giữa rừng khuya, bạo tàn như ngọn lửa hừng hực cháy. Nét chấm như từ đại dương bước ra, mang thân hình của cát bụi, hòa chung với những hạt nước mắt rung rinh từng giọt, từng giọt… Nét phẩy thoáng hiện những dấu vết hư vô, những lối mòn khoảnh khắc, những hơi thở của chiếc lá thoảng bay…

Trời loáng thoáng mưa bụi. Ông vẫn ngồi bất động lắng nghe tiếng hát của mưa. Bóng đêm… tiếng mưa… lộc non… nẩy mầm… hồi sinh… thoáng hiện đứt quãng trong tâm hồn ông. Giờ đây, ông thấy cái gì cũng trong sáng, có sức sống và có linh hồn. Ông thấy lòng nhẹ nhõm, không vương vấn gì ngoài ước muốn được an nghỉ. Bầu trời như đang suy ngẫm điều gì trang trọng, thiêng linh. Bốn bề im lặng huyền bí như đang chờ đợi một phép mầu. Nơi chiều sâu tâm hồn ông – nơi ấp ủ, phôi thai những ý nghĩ chưa hề biết đến – như có cánh, trong giấc mơ màng, nó bay lên. Ông thấy thoáng hiện hình bóng thằng Sơn đang mỉm cười với ông. Ông dang tay chờ đón… Ông ra đi trong an bình, mãn nguyện, trên môi còn đọng lại nụ cười…

Sơn buông cọ, nấc lên khản đặc:

– Cha!

Cảnh vật như mơ màng chìm trong giấc ngủ, nhưng giấc ngủ hết sức mong manh, có cảm tưởng như chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đủ làm cho tất cả bùng lên một sức sống, một niềm tin nóng hổi vươn tới ánh sáng. Một vì sao băng vụt ngang nền trời như một vết chém sắc gọn còn đọng lại trên bức họa tạc vào đá lạnh ngàn năm nhè nhẹ thở.

 

PHÁP THIỆN