Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79077 Lượt xem

MANH NHA HỘI PHẬT HỌC

 

Vào ngày 01 tháng 3 năm 1928, do làm việc tốt, gương mẫu, ông lại được thăng ngạch y sĩ hạng Ba rồi được đổi về làm việc tại thủ đô Phnôm-Pênh.

Hôm kia, nhằm ngày chủ nhật rảnh rỗi, ông đến khu Năm gần Trường Đua tìm chùa Sùng Phước (1). Đây là ngôi chùa cũ của Bắc phái, sửa sang lại. Tại đây, ông gặp rất nhiều người quen trong cộng đồng người Việt, trong đó có một số người nhập quốc tịch Pháp hoặc lai Pháp như ông Charles Clairet – còn đa phần đều là trí thức Việt như các ông Phạm Văn Tông(2), Đoàn Văn Hộ, bác sĩ Dương Văn Phát, Francois Nguyễn, Lê Minh Học, Sáu Hoa, Ba Lý, Sáu Diên, Phán Long, Văn Công Hương, Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên, Phán Nghiêm, Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê, Tô Kim Phước, Lý Văn Ngữ, Trương Phong Vĩnh… Đặc biệt, có bốn sư người Việt là sư Thạnh (Cả Thạnh), sư Tuệ Báu, sư Lê Khanh và sư Nguyễn Phát Phước ở chùa Kim Chuông cũng thỉnh thoảng đến sinh hoạt. Với một lực lượng trí thức hùng hậu như thế, họ muốn cải tổ, chấn hưng Phật giáo làm thế nào để không lạc hậu trước thời đại văn minh khoa học, để  bước ra khỏi lớp sương mù của mê tín dị đoan. Do ảnh hưởng của phong trào canh tân Phật giáo đang dấy lên ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… những đại biểu trí thức trong cộng đồng trên năm mươi ngàn cư dân người Việt ở đây đã khởi xướng thành lập nhóm tín đồ Phật giáo nòng cốt đầu tiên như là một “hội Phật học” hợp pháp để đệ trình lên chính phủ bảo hộ.

Tuy nhiên, khi ông Giảng đến đây thì chương trình hoạch định một nội dung sinh hoạt như thế nào thì chưa đâu vào đâu cả. Họ đang còn thảo luận đề cương. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng nhất mà họ bỏ quên, đã đành là hội Phật học nhưng mà Phật học nào? Là các phái như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông hay là Phật giáo Tiểu thừa(3) như Campuchia bổn xứ? Và chính ông Giảng vào thời điểm này cũng đang còn “ù ù cạc cạc” chưa biết đâu đúng, đâu sai, đâu nên theo và đâu không nên theo! Nói tóm lại là ông Giảng vẫn chưa có chính kiến nên suốt buổi họp tham dự, ông chỉ im lặng lắng nghe mà thôi.

Bạn bè hỏi lý do, ông đáp:

Tui chưa biết gì cả, về mọi lãnh vực! Tui sợ tui phát biểu không trúng, xin các bạn thông cảm. Để tui suy nghĩ đã!

Sau buổi làm quen ban đầu ấy, ông Giảng thường tới lui thăm viếng các bạn, đôi khi đi cùng với ông thân. Bởi có thắc mắc từ trước nên trong một buổi nói chuyện có mặt Ba Lý, Văn Công Hương, Sáu Hoa, Ba Diên, ông Giảng nói:

– Các bạn muốn thành lập hội, điều ấy rất đúng với xu thế hiện nay của Phật giáo thế giới cũng như trong khu vực. Trước nền văn minh khoa học vật chất của Tây phương, bà con trong cộng đồng người Việt của chúng ta ở đây cần có một đời sống tinh thần để nương tựa hầu bảo vệ các giá trị đức lý cổ truyền, nếu không sẽ bị tha hóa. Viễn tượng ấy thật là tốt đẹp làm sao! Tuy nhiên, các bạn chưa cho tui rõ là trong tất cả giáo phái hiện nay, ta nên tu theo phái nào để có thể thấy rõ là làm yên lặng được tất cả các nỗi khổ? Các bạn cũng chưa cho tui rõ là các bạn đang hành trì, tu tập như thế nào? Nếu chưa xác định được điều ấy thì giống như đi đêm mà không có ngọn đèn, hoặc giống như chiếc thuyền ra khơi mà không có la bàn vậy!

– Là làm việc tốt, việc lành – Văn Công Hương nói – Phật giáo nào cũng dzậy thôi!

Ba Lý nói:

– Bố thí, giữ giới – giáo phái nào cũng dzậy mà!

Ông Giảng nghĩ thầm trong tâm: “Họ nói dzậy, chứng tỏ họ chỉ biết cái Phật giáo chung chung; và ngay sự hành trì tu tập, họ cũng chưa biết gì! Nếu có công phu tu tập và tư duy có chiều sâu, đúng sai biết liền hà! Nói ra thì sẽ đụng chạm cái bản ngã của mấy ông trí thức này, thôi thì ta nên giữ im lặng là thượng sách”.

Một hôm khác, cũng nội dung câu chuyện tương tợ, Sư Cả Thạnh lại than phiền:

– Những ông Giáo, ông Phán, ông Thông, mấy ông Kỹ sư… ông nào cũng mang cái kiến thức cổ truyền đã mọc rễ đâu đó từ Việt Nam sang! Cái kiểu như, xưa tu sao, nay tu vậy! Bác sĩ xem! Chùa Sùng Phước vốn là chùa của Bắc phái, thờ tự lung tung, họ vẫn giữ nguyên, sợ Phật, Bồ Tát, thánh thần trách phạt… Có người miệng họ nói tu theo Theravāda, nhưng lại niệm Phật A Di Đà, ăn chay tháng mấy kỳ đó! Bác sĩ thấy thế nào?

Sư Phước cũng rầu rầu:

– Có người nói tu giáo phái nào thì tu chớ không tu theo Phật giáo Campuchia Tiểu thừa này!

Ông Giảng thở dài rồi nói:

– Thưa quý sư, con cũng chưa biết gì cả! Con cũng có tu nhưng mà cũng chưa được gì cả! Con chưa dám có ý kiến đâu!

– Tôi  thì  không đủ sức – Sư Cả Thạnh nói – Bác sĩ

chịu  khó  đi  tìm  gặp  các  vị cao Tăng, họ sẽ chỉ cho

những kiến thức cần thiết, quý báu!

– Thưa dzâng!

Nói thì nói vậy nhưng suốt một năm trường, bận rộng công việc, ông vẫn chưa đủ duyên.

 


(1) Váo khoảng năm 1930, ông thân sinh của thầy Lê Minh Học trụ trì chùa nầy – là ngôi chùa do cộng đồng người Việt ở đây xây dựng để có chỗ lễ bái, tụng kinh, niệm Phật. Ở đây, thầy Minh Học quy tụ khá đông tri thức Việt kiều ( tư liệu của sư Thiện Minh – trụ trì chùa Bửu Quang).

(2) Có tư liệu ghi là Thông.

(3) Đúng ra phải gọi là Theravāda, nhưng thuở ấy, từ tiểu thừa có tính cách kỳ thị này vẫn còn đang giữa cửa miệng của mọi người.