Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79071 Lượt xem

TU VẬY CŨNG CHƯA PHẢI!

 

Vì công tác đột xuất ông trở về kinh đô Nam Vang một tháng để liên hệ một số công việc chuyên ngành. Ở đây, ông gặp lại người bạn cũ, Pháp lai Việt, đang làm chủ một hãng rượu lớn. Trong lúc nói chuyện qua lại, ông kể cho bạn nghe sự hối hận, ray rứt không yên trong mấy lần vui chơi nhảm nhí ở Sài Gòn, và bây giờ chỉ muốn tu thôi! Hiện mỗi tháng đã ăn chay được sáu ngày.

– Tốt! Nhưng bạn thua tôi rồi! Ông bạn Pháp lai Việt mỉm cười – Tôi cũng tu, cũng ăn chay, nhưng mỗi ngày chỉ một bữa ngọ trai thôi, buổi chiều không ăn, buổi sáng không ăn!

Nghĩ mình tu mà thua bạn, không được, ông bắt chước tu theo bạn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa chay!

Lần sau gặp lại, ông phấn chấn nói cho bạn nghe rằng mình cũng tu được như thế. Lần này, ông bạn lại cười ha ha:

– Bạn vẫn thua tôi mà thôi!

– Tại sao ha?

– Bạn ngọ trai, chay tịnh, nhưng mà phải có cơm hoặc bắp đậu gì đó, phải chăng? Tôi bây giờ bước lên một tiến bộ khác, là chỉ dùng rau trái, củ quả như khỉ vậy, không đụng đến ngũ cốc!

Trở lại nhiệm sở tại tỉnh Svay-Riêng Ở đây, ông tức mình, nghĩ rằng, tu mà cũng không bằng người, nên bắt đầu chỉ ăn rau trái, củ quả trong các buổi ngọ trai. Một tháng rưỡi sau, do ít đạm, thiếu tinh bột, không có muối, người ông cứ yếu lả dần đi. Hôm kia, ông bị bệnh trầm trọng, phải chở về bệnh viện trung ương ở Nam Vang để điều trị. Lành bệnh xong, ông thân sinh đến thăm, tìm cách khuyên lơn:

– Tu là tu cả đời đó con! Không có chi phải gấp gáp, nóng nảy cả. Vả lại, đức Phật, ngài đã từng bỏ lối tu ép xác, khổ hạnh cực đoan vô ích, vô lối đó. Con còn phải làm việc, con còn phải nuôi cả gia đình, vợ con nữa mà!

Nghe lời khuyên bảo ấy, trở lại Svay-Riêng, ông dùng chay bình thường, nhưng là chay trường. Hễ rảnh là tụng kinh, nhất tâm tụng kinh. Ông thân sinh đã trang bị cho ông tương đối đầy đủ các bản kinh chữ Việt hoặc chữ Hán như Phổ Môn, Di Đà, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Lương Hoàng Sám, Địa Tạng… Ông còn chí thú, tín thành, chịu khó, kiên nhẫn, lạy hồng danh một trăm lẻ tám lạy mỗi đêm nữa…

Thấy ông tu “kinh khiếp” quá, tiếng lành đồn xa. Ai cũng bảo rằng, ông là tại gia cư sĩ mà giữ giới trong sạch, công phu chí thành, chắc là sẽ có oai lực, công năng hơn cả những vị thầy tu xuất gia kia đấy!

Thời gian ấy, vùng ông ở bị nắng hạn, đại hạn, mùa màng khô cháy; có ngôi chùa kia các thầy tu tụ họp lại, tụng kinh đảo võ (cầu mưa) mà không linh nghiệm. Mọi người sực nghĩ đến ông, mời ông đến tụng kinh, mong nhờ oai lực của ông để cho thiên hạ được nhờ. Thấy mọi người thành khẩn quá, ông nhận lời; nhưng cũng không tự tin lắm, nghĩ rằng: “Mình tu hành có bao nhiêu, có hạnh có đức gì đâu mà oai với lực! Nhưng thôi, thiết nghĩ là mình cứ có tâm chí thành là được, biết đâu đất trời có cảm ứng?”

Thế rồi, nhất tâm kính thành, ông hết lòng hết dạ tụng kinh, cổ khô, giọng khản. Ngày thứ nhất, bầu trời có hiện tượng âm u, mây bắt đầu kéo về. Ngày thứ hai, mây nhiều hơn, có gió nhẹ và trời lắc rắc mưa. Ngày thứ ba, mưa gió, sấm chớp rầm rầm; mưa thật to tràn ngập phố phường, ao hồ, đồng nội. Mọi người sung sướng cảm tạ trời đất, vái tạ thần linh và không quên cảm tạ và tri ân ông thầy tụng kinh có pháp lực nhiệm mầu! Riêng ông, thì ông cũng không tự tin lắm: “Hay là đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ diệu nào đó chăng?”

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ hôm ấy, dường như con đường tu hành của ông cứ thế mà mát mái tay chèo, tâm trở nên an ổn, được mọi người kính trọng, nể phục! Nhưng mà không, một tiếng gọi kêu nào đó mơ hồ trong vô thức cứ réo gọi ông từng đêm. “Được rồi! Tốt rồi! Nhưng mà không phải vậy! Tụng kinh đảo võ linh nghiệm được mưa là ghê gớm lắm chắc? Được mọi người tán dương, nể phục là oai lắm chắc? Hãy thử lắng nghe đi! Tâm của ông đã thật sự yên bình chưa đó? Trí của ông đã thật sự sáng tỏ chưa nào?”

Lại giật mình, lại như một lần xưa trước, ông toát mồ hôi lạnh, tim đập thình thịch. Ông bắt đầu bỏ nhiều thì giờ hơn cho việc nghiên cứu kinh sách. Có một số sách tiếng Pháp, ông mới tìm được đã bổ sung cho sự thiếu sót này. Nhờ vậy, ông biết về cuộc đời đức Phật và một số căn bản về giáo pháp nhân quả nghiệp báo phổ thông, ví dụ như trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu! Tri kiến ông đã bắt đầu có một vài thay đổi nho nhỏ, nhưng chưa thấm vào đâu cả.