Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79062 Lượt xem

NHỮNG CƯ SĨ TUYỆT VỜI

 

Năm 1938, lúc đại đức Thiện Luật về Việt Nam, tiếp nhận ngôi chùa mới tại Gò Dưa, Thủ Đức thì trước đó, nơi đây đang còn hoang sơ, cả một rừng cổ thụ xen lẫn với cây tạp, lùm bụi, cỏ gai um tùm.

Biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và mồ hôi, những người cư sĩ ban đầu như ông Hiểu, ông Cầm, ông Núi, ông Nhất, ông Quyến, ông Hương (đã về định cư ở Sài Gòn cuối năm 1937) đã gầy dựng nên một cơ sở hoằng pháp ban đầu cho Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Địa điểm này không quá gần xóm làng, cách xa thành phố, lại ở vùng thôn quê thanh vắng rất thích hợp cho việc hành đạo.

Khi vừa được người quen chỉ chỗ, tới nơi, nhìn ngắm một hồi, ông Hiểu nói:

– Đất này ở nơi xa ngái, chắc cũng không đắt lắm, ta tìm gặp chủ đất xem thử thế nào? Lúc xưa, ông Cấp Cô Độc lót vàng đổi đất, chẳng lẽ chúng ta không thể noi gương được chút ít?

– Vâng! Vâng! Ông Hương gật đầu – Đắt rẻ thế nào không biết, tôi xin đóng góp một phần ba.

– Lành thay! Ông Quyến tán thán rồi chợt cười chúm chím – Tôi lực bất tòng tâm, không đủ sức như các thầy, nhưng quý vị đóng góp chừng nào thì tôi cũng xin ráng được như vậy.

Các bạn khác cũng đồng ý hùn góp công đức.

Ông Hiểu cười với khuôn mặt tươi rạng:

– Chúng ta đoàn kết như thế này thì đứng vững chắc như cái thạch trụ, gió không thể lay, bão không thể chuyển, mưa gió thì cũng chẳng có hề hấn chi! Đầu xuôi thì đuôi lọt, chúng ta cứ thế mà hùn công góp của hen!

Họ cùng tìm đến chủ đất là Chánh tổng(1) Bùi Ngươn Hứa và bà Cả, là phu nhân của ông.

Sau khi lắng nghe ông Hiểu trình bày nguyện vọng tha thiết được xây dựng một kiểng chùa trên khoảnh đất chừng hai mẫu Tây, ông Chánh tổng ngắm nhìn cả ba người một hồi rồi chậm rãi cất tiếng hỏi:

– Đất có thể bán, chùa có thể xây nhưng tôi xin được thưa hỏi với các thầy Thông, thầy Ký, thầy Phán vài điều được chăng?

– Xin vâng! Ông Hiểu đáp.

– Xung quanh vùng này, chùa quán cũng khá nhiều, lại còn nhiều nơi thiếu vắng Sư Sãi. Sao các thầy lại không tìm đến đấy để lễ bái, cầu Phật lại làm thêm chùa cho tốn kém?

Ông Hiểu từ tốn nói:

– Tôi biết! Và chúng tôi cũng đã đi lùng khắp Sề Gòn, kể cả Chợ Lớn mà không có đám đất nào vừa ý. Chỉ có nơi này mới thích hợp cho cho các sư thuộc hệ phái Theravāda tu tập và hành đạo. Xin nói rõ với ngài Chánh tổng, là cái đạo này khác hẳn với mấy cái đạo trong các chùa, quán kia!

– Nó khác ra sao ha? Không phải là tất cả các chùa cùng thờ một ông Phật hay sao?

Ông Hiểu đáp, rồi do cảm hứng, ông giải thích, thuyết giảng thao thao:

– Vâng, cùng một đức Phật tổ Gotama! Nhưng bên kia họ còn thờ tự thêm nhiều Phật và nhiều Bồ Tát nữa, trông như đa thần giáo; ngoài ra, họ tu hành mà quá nghiêng nặng về lễ bái, cầu nguyện, về van vái, xin xăm, về bói quẻ, chú sớ… Còn bên này, không có tụng kinh chuông mõ, không lạy hồng danh, không trai đàn, chẩn tế, không nhờ ai cứu khổ, cứu nạn, không có van vái cầu xin thần linh điều này điều nọ, mà mỗi người phải tự cải sửa, tu tập như “Tự mình thắp đuốc mà đi”, như “Tự mình là hòn đảo của chính mình” để bỏ bớt cái xấu ác, làm thêm điều lành tốt; có nghĩa là tu sao cho lắng bớt, dứt bớt cái khổ đi cho tâm nó được thanh bình, an lạc đúng như lời dạy của đức Phật: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”; có nghĩa là: Không làm điều ác. Làm các hạnh lành. Giữ tâm trong sạch. Là lời Phật dạy!

– Hay! Hay lắm! Bà cả chen lời – Cái đạo này chắc hợp với “cái tạng” của ông rồi đó, nghen ông!

Ông Chánh tổng cười bày cả cái răng rụng:

– Bà mày thiệt! Ờ, ờ! Nhưng nói thế mà đúng! Rồi ông tâm sự – Tôi làm Chánh tổng trông coi mấy làng, mặc dầu chỉ là chức quan nhỏ thuộc chính quyền bảo hộ Pháp, tôi cũng yêu dân, thương dân, luôn luôn khuyến khích họ làm ăn chuyên cần và chơn chính cho cuộc sống được khá hơn. Sống phải biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau. Phải có đạo đức và tình thương, đồng thời chân phải lội bùn, tay phải cầm cuốc… Chứ ai đời, cứ đốt nhang cho thật nhiều, khấn vái cho thật nhiều để buôn may bán đắt, cầu lộc, cầu tài, cầu công danh, cầu quý tử… Nói đến ngang đây, ông dí dỏm – Chắc các ông thần, ông thánh ấy cũng nhức đầu với họ lắm, vì ngày nào cũng có người đến xin xỏ, hối lộ!

Mọi người cùng cười vui nên tạo ra không khí thân mật. Ông Chánh tổng chợt nói lớn:

– Các thầy đây, trông diện mạo đôn hậu, tỏa ra nghiêm tướng, cốt cách cao sang, rõ không phải là hạng công chức, trí thức tầm thường. Các thầy đã theo cái đạo ấy thì chắc chắn là nó phải chơn, phải chính rồi! Bà nó à! Tôi phát tâm hiến cúng đất đai, còn cồng bà thì sao đó ha?

Bà Cả cười nhỏn nhoẻn:

Cồng bà không bằng lệnh ông(2) xin nghe lời ông Chánh! Rồi bà cũng tâm sự – Chúng tôi già rồi, các thầy ạ! Con cháu thì đứa nào cũng có đôi, có cặp, có của nả gia sản riêng. Bây giờ, dẫu có tích cóp một đời, khi xuôi tay nhắm mắt cũng không mang theo được gì. Các thầy đã có tấm lòng với cái đạo mà mỗi người phải tự mình tu cho tốt thì vợ chồng tôi cũng xin ủng hộ hai mẫu tây, khoanh vùng nào cũng được cả, không lấy một xu một cắc nào hết.

Duyên lành về mảnh đất như vậy đó.

Không bao lâu sau, ông Hiểu cùng các bạn hùn nhau tiền bạc, thuê người phát quang, dọn dẹp khu đất dự định làm kiểng chùa.

Ông Hương từng tu tập tại chùa Sùng Phước ở Nam Vang nên góp ý:

– Chùa, cái quan trọng là thông thoáng, giản dị và vững chắc các bạn ạ! Chẳng nên rồng, phượng, lân, rùa gì ráo! Cái đó không thích hợp với kiến trúc Nam truyền. Ban đầu, chúng ta nên bắt chước như ở Miên để xây dựng một nơi để thờ Phật, tụng kinh, lễ bái… Sau đó, rải rác đây đó nên thiết kế dăm ba cái cốc sàn để tránh rắn rít, là nơi cho các sư ở để tu tập, hành đạo.

Ông Quyến cười cười:

– Nếu chưa có đủ sư, chúng ta có thể tạm ở để hành thiền, được chớ?

Ông Hiểu gật đầu:

– Hoàn toàn đồng ý tinh thần ấy với các bạn! Cứ thế mà làm liền nghen!

 


(1) Tư liệu nào cũng ghi là Xã trưởng, tôi nghĩ không đúng. Xã trưởng, Thôn trưởng là những đơn vị hành chánh thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Những năm 1939-1940 còn thuộc chính quyền bảo hộ của Pháp, đơn vị hành chánh lúc ấy, trông coi một làng gọi là Lý trưởng, trông coi nhiều làng thì gọi là Chánh tổng – tương đương Xã trưởng. Tuy nhiên, có tư liệu ghi là Cai Hứa – nếu là “cai” thì chỉ là “cai đội”, làm cai một toán lính nho nhỏ mà thôi!

(2) “Lệnh ông không bằng cồng bà” – nhưng ở đây họ muốn nói ngược cho vui!