Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78205 Lượt xem

LÁ THƯ OAN NGHIỆT

 

Ước vọng xuất gia cứ nung nóng trong trái tim ông, tuy nhiên, đợi hoài cũng không thấy công văn chuẩn y của quan Công Sứ? Lẽ nào, ông Chánh chủ sở đã quan tâm, ưu ái đề bạt nguyện vọng với lời lẽ rất chính đáng mà cấp trên lại bác đơn xin thôi việc?

Nghĩ hoài không ra, ông đích thân đi gặp quan Chánh chủ sở để hỏi cho rõ lý do tại sao!

Ông Chánh chủ sở ái ngại nhìn ông một lát, rồi tiết  lộ cho biết:

– Chính bà Nhung, phu nhân của ông đã biên một lá thư rất khẩn thiết, cầu cứu đến tòa Công Sứ, xin đừng chấp đơn nghỉ việc của ông. Nội dung chi tiết của lá thư như thế nào thì tôi không nắm rõ, nhưng đây, nội dung công văn tòa Công Sứ gởi cho tôi thì như thế này…

Nói xong, ông Chánh chủ sở lật tìm trong cặp công văn một hồi, rút ra một tờ giấy, rồi đưa cho ông đọc:

“- Lưu nhiệm đương sự, bác sĩ thú y Lê Văn Giảng ở lại nhiệm sở hai năm, do đơn thư khẩn thiết của bà Võ Thị Nhung, phu nhân của ông ta, cầu cứu đến tòa Công Sứ với lý do hoàn cảnh khó khăn nếu ông ta nghỉ việc!”

Vỡ lẽ lý do, ông Giảng thở dài. Ông không ngờ tình cảm của người đàn bà phức tạp đến vậy. Về nhà, ông giấu kín việc ấy trong lòng, không hé lộ cho ai biết hết. Tuy nhiên, nhờ có tu tập, có tâm từ, tâm xả, ông dễ đàng thắng lướt nỗi buồn, đến chùa giảng pháp, dạy đạo, dạy thiền như thường lệ.

Hôm kia, tại văn phòng tạp chí “Ánh sáng Phật pháp”, gặp ông Charles Clairet, nghe nói là rất thân với quan Công Sứ, chợt dưng ông Giảng khởi tâm muốn biết toàn bộ nội dung lá thư của bà Nhung nên kể chuyện lại cho Charles Clairet nghe, sau đó, nhờ ông lai Pháp này tìm cách sao chép giúp.

Tui hoàn toàn không trách cứ gì bà ta hết! Ông nóiTui chỉ muốn biết những lý do mà bà nêu ra trong thư để tiện việc đối xử mà thôi.

Ông Charles Clairet gật đầu vui lòng hứa giúp. Mấy hôm sau, ông mang đến nguyên văn lá thư bằng tiếng Việt, nguyên văn như  sau:

“- Phnôm-Pênh, ngày 15 tháng 7 năm 1938

Kính thưa ngài Công Sứ Tối Cao,

Tôi tên là Võ Thị Nhung, vợ của y sĩ thú y Đông Dương Lê Văn Giảng, làm việc ở Phnôm-Pênh, mẹ của sáu đứa con nhỏ, có vinh dự được đến để trân trọng xin ngài vui lòng xem xét khả năng không chấp thuận đơn xin thôi việc do chồng tôi, Lê Văn Giảng đệ trình.

Hiện nay, ông ấy mải mê cả tâm hồn lẫn thể xác vào đạo Phật. Khi trở thành một tín đồ nhiệt thành, ông ấy đã không màng đến cuộc đời và lo tính chuẩn bị cho cuộc sống sung sướng hơn ở cõi Niết Bàn.

Như thế, để thực hiện kế hoạch được trù tính kỹ lưỡng của mình, chồng tôi đã xin thôi việc để lánh mình vào sự cô độc, tránh xa những xáo động của cuộc đời.

Kính thưa ngài Công Sứ tối cao,

Tôi kính xin ngài lưu ý là một khi đã trở thành nhà sư, như giáo luật của các tôn giáo quy định, ông ấy sẽ bỏ phế gia đình.

Trong trường hợp việc xin thôi việc được chấp thuận, ông ấy sẽ bỏ cho tôi gánh vác việc nuôi con, tất cả đều còn nhỏ; chúng tất sẽ phải chịu nghèo đói, thiếu thốn, không được học hành.

Vì thế, tôi kính xin ngài Công Sứ thương xót chúng tôi, bằng cách như không có đơn xin thôi việc của chồng tôi; và sử dụng quyền tối cao của ngài để buộc ông ấy ở lại nhiệm vụ hiện tại cho đến khi về hưu, vì tình hình gia đình của ông ấy hiện vô cùng nguy kịch. Tôi và các con tôi sẽ vô cùng biết ơn ngài.

Trong khi chờ đợi, xin ngài Công Sứ vui lòng nhận nơi đây những tình cảm tôn kính và hết lòng của tôi!

Nay kính đơn,

Võ Thị Nhung” (1)

Trả lại lá thư cho ông bạn lai Pháp, ông Giảng trú tâm vào hơi thở của mình. Một lát, sau khi đã hoàn toàn làm chủ tâm, lắng dịu mọi cảm xúc, bất giác ông nở nụ cười. Ông tự nói với lòng:

“- Chúng sanh vì tham ái, sân hận và si mê, chúng không thấy gì, không biết gì. Bây giờ, càng tu tập chừng nào, càng thấy pháp chừng nào, ta mới biết ra, tại sao, đối với cuộc đời, đức Phật dạy, cần phải tu tập tứ vô lượng tâm!”

Những ngày sau đó, ông hoàn toàn không để tâm đến lá thư ấy nữa mà chỉ tu tập cho sâu hơn về định tâm từ, tâm bi. Đối với ai khác, lá đơn ấy oan trái, oan nghiệt thật đấy, nhưng đối với ông thì lại là cơ hội cho ông tắm mình trong làn khí mát mẻ của tâm không hận, không sân!

 


(1) Sao y nguyên văn – tại Trung tâm lưu trữ như lược dẫn.