Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78973 Lượt xem

NẰM BỆNH VÀ NGÔI CHÙA Ở GÒ DƯA

 

Trở lại Nam Vang làm việc như cũ, chương trình của ông là thường đến chùa Sùng Phước để giảng pháp và hướng dẫn thiền định cũng như thiền quán cho đạo tràng. Được hơn nửa năm thì hôm kia, ông thấy mình đau ruột dữ dội, quan sát một lát biết là đau ruột thừa. Dùng định lực trấn giữ cơn đau, ông ghé sở một lát rồi đến ngay bệnh viện Phnôm-Pênh.

Khám xong, bác sĩ nói:

– Khúc ruột dư này phải mổ thôi!

Ông gật đầu:

– Đúng dzậy!

– Ông có ngần ngại gì không?

– Không! Dư ruột là phần việc của cơ thể. Mổ cắt khúc ruột ấy là phần việc của bác sĩ. Được hay không được, sống hay chết là phần việc của nghiệp. Tui có can dự chi vào đó được.

Bác sĩ chăm chăm nhìn ông:

– Lần đầu tiên tôi nghe một bệnh nhân phát biểu một câu y hệt một hiền triết Hy Lạp!

Ông cười tủm tỉm:

– Vô ngã của Phật đó mà!

Vào phòng mổ, trước khi bị gây mê ông niệm “Araha, Araha”… rồi sau đó không còn biết gì nữa cả.

Mổ xong, họ mang ông sang phòng dưỡng, đến khoảng mười lăm giờ chiều ông mới tỉnh, mới tỉnh với hơi thở ra, đi liền với câu niệm “Araha”! Tuy nhiên, mắt ông thấy lờ mờ mà tai thì nghe mơ hồ. Lát sau, ông thấy sáng dần dần rồi thấp thoáng hai ba bóng người cùng lời hỏi đáp:

– Thôi, ông tỉnh rồi đó.

– Ổng nói cái chi vậy?

– Ổng nói Arahaṃ, Arahaṃ gì đó!

– Ờ, ổng niệm Phật!

Rồi họ đi ra.

Mắt và tai ông, lát sau, thấy khá hơn một tí. Ông thấy lờ mờ hai người y tá, một cô và một thầy, quan sát ông rồi một người nói:

– Thôi, không có sao đâu, an toàn, mạnh khỏe rồi!

Lát sau, cô Diệu dẫn bà bước vào. Bà khóc và than trách ông đủ điều:

– Sao đi mổ mà không cho tui hay? Cũng chẳng thèm báo với ai trong nhà một tiếng nữa! Người chi mà vô tâm, vô tình, người chi mà coi cái mạng sống như trò chơi!

Ông phì cười, cất giọng khàn khàn:

– Cái đau mình không làm chủ được, cái mạng sống mình lại càng không làm chủ được, bà không biết sao ha?

Bà lại nói lẫy:

Tui không biết. Tui không biết chi ba cái cao siêu cao siết đó hết!

Ông cười nhẹ, dàn hòa:

Dzậy là bà biết rồi đó nghen! Biết mà làm giả bộ không biết!

Cô Diệu nói:

– Thôi, ba nghỉ đi, nghỉ cho khỏe!

Thấy bớt bớt được mấy hôm, sau đó người phát sinh nóng lạnh. Bác sĩ vào khám, cho biết là vết thương bị làm mủ. Bác sĩ hỏi ý kiến ông:

– Mổ lại thì nguy hiểm. Nếu không mổ lại thì phải kiếm thuốc tốt, khá đắt tiền, có thể uống tiêu mủ được. Ông quyết định đi!

Bạn bè tới thăm, họ hứa kiếm thuốc tốt nhờ quen biết các quan lớn Tây. Bà thân cô Diệu lại khóc lóc, nói bán cả gia tài cũng phải chữa trị cho ông.

Tuần sau nữa thì vết thương lành mủ. Ai cũng bảo là ông có phước báu hộ trì, vì cùng mổ với ông có ba người mà họ đều chết cả.

Nửa tháng sau, ông ngồi dậy, nhúc nhích đi lại nhưng dòm ra ngoài cửa sổ thấy mờ mờ. Ông tưởng mắt bị ghèn hoặc bị bụi, lấy khăn ướt lau nhưng vẫn thấy lờ mờ như cũ.

Ông bạn bác sĩ quen nói:

– Kỹ thuật gây mê của các y tá đang còn yếu; ông bị mờ mắt là do lạm thuốc mê đó, nghĩa là thuốc mê quá liều lượng!

Ông cười:

– Cũng không thể trách y tá được! Cái này chúng ta chỉ nên trách “nghiệp” thôi! Nghiệp đưa ta đến sống ở nơi này, làm việc ở nơi này, cùng chánh báo, y báo(1) với mọi tương quan trùng trùng với xã hội, với con người. Cái bên ngoài ấy không thể thay đổi được. Có thay đổi là thay đổi cách nhìn của mình, thay đổi tâm niệm và tư tưởng của mình thôi.

Ông bạn gật đầu:

– Đạo Phật đã cho ông một thái độ sống lạc quan – từ một hoàn cảnh được xem như bi quan nhất.

Ông muốn gieo cấy cho ông bạn một hạt giống giáo pháp nên mỉm cười:

Lạc quan thì ở bên này, bi quan thì ở bên kia – nếu nói chính xác, đạo Phật cho tui một cái nhìn như thật, không rơi bên này, không rơi bên kia, tạm gọi là trung đạo dzậy, thưa ông bạn quý mến!

Ông bạn nhăn mày. Cũng nhờ vậy mà sau này, ông bạn đã tìm cách học hỏi, nghiên cứu về đạo Phật một cách nghiêm túc, kỹ càng!

Tháng sau nữa, ông vẫn còn nằm viện vì bác sĩ cần theo dõi liên tục. Ông cảm nhận rõ ràng rằng, mắt không chỉ mờ mà còn kéo theo cả giảm trí nhớ nữa. Đọc sách trở ngại đã đành mà hành thiền cũng bị ảnh hưởng không tốt. Tuy nhiên, không nản chí, ông vẫn tiếp tục duy trì các thời hành thiền; cuối cùng, dẫu có tiến bộ nhưng vẫn không khắng khít và đi vào sâu như trước.

Ra viện, ông được phép ở nhà ba tháng để dưỡng bệnh. Các bạn hữu đạo tràng trong Hội Phật học đến thăm ông liên tục từ ngày này sang ngày khác. Đặc biệt, hôm nọ, hai vị tỳ-khưu Thiện Luật và Huệ Nghiêm đồng đến một lúc. Trông Tăng tướng y bát trang nghiêm, đẹp, sáng rỡ của cả hai vị, ông định ngồi dậy đảnh lễ nhưng họ ngăn lại:

– A-cha Giảng cứ nằm nghỉ! Chúng tôi xuất gia trước nhưng vẫn là đàn em của A-cha Giảng đó thôi!

Ông chấp tay lên:

– Quý sư đừng nói dzậy tui mang tội!

Đại đức Thiện Luật nói ví von cho vui:

– Con rùa trước, sa-di ba năm mới tu tỳ-khưu! Con thỏ sau, giới tử mới mấy tháng đã tu sa-di và tỳ-khưu một lượt. Hóa ra, sau trước trước sau đang cùng đến gặp A-cha Giảng một lần đây!

Sau đó, cả hai vị tỳ-khưu tâm sự là đang cố gắng học và tu tập cho tốt để sau này phụ giúp với ông một tay trong việc mang giáo pháp về Việt Nam.

Ông lại chấp tay lên lần nữa:

– Sādhu, lành thay!

Thế là sau đó, ông lại biên thư cho ông Hiểu. Cỡ tháng sau thì nhận được thư hồi âm, ông Hiểu bảo là ông đã rất sung sướng khi nghe những dấu hiệu tốt ban đầu. Ông cũng thông báo là ông đã tìm mua được đất, đã gầy dựng được một ngôi chùa tranh tre nứa lá tại một khu rừng rất đẹp, có những gốc cổ thụ tàn lá im mát suốt ngày, rất thuận lợi cho sinh hoạt đạo tràng… Cuối thư, ông Hiểu nói là có vị tỳ-khưu nào có thể về trước để tiếp nhận chùa chưa? Ở đây rất cần hình bóng của vị sư Nam tông, tam y nhất bát trì bình khất thực!

Thấy nhiệt tình chính đáng của bạn, ông đích thân đi tìm đại đức Thiện Luật, trình bày nguyện vọng ở quê nhà, mong sư hoan hỷ hồi hương tiếp nhận ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Nguyên thủy Việt Nam.

Đại đức Thiện Luật ngần ngại:

– Về luật thì tôi kha khá, nhưng về trình độ kinh giáo thì tôi đang cần phải học hỏi nhiều!

– Không sao! Ông nói – Vừa tu vừa học cũng được; cái cần nhất là hình bóng khất thực thanh tịnh ở quê nhà. Dù sao, sư xuất gia cũng đã bốn năm, được một hạ tỳ-khưu rồi! Trông đã chững chạc rồi! Đại đức Huệ Nghiêm thì vừa mới xuất gia, chưa tiện. Dần dà, tui sẽ kiếm thêm người về giúp sức!

Thế là sau đó, đại đức Thiện Luật nghe xuôi tai, đồng ý về Sài Gòn tiếp nhận chùa ở Gò Dưa, Thủ Đức. Năm ấy là năm 1938, đã trở thành thời điểm đánh dấu, hứa hẹn Phật giáo Theravāda từ Campuchia du nhập miền Nam-Việt Nam.

 


(1) Chánh báo: Nghiệp tạo nên nhân thân toàn hảo hay bất toàn (ngũ quan, trí ngu, đẹp xấu). Y báo: Nghiệp nương nhờ nơi chánh báo, dựa nơi chánh báo mà có như hoàn cảnh gia đình, dòng tộc, xứ sở cùng tất thảy mọi tương quan trong đời sống của người ấy.