Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78953 Lượt xem

TIẾNG HỐNG CỦA TIỂU SƯ TỬ

 

Sáng ngày, ông thảnh thơi, nhẹ nhàng như bước trên đầu cỏ, đến rủ hai ông cư sĩ xuống thăm thiện nam tín nữ.

Nhìn sắc mặt ngời ngời của ông, họ thốt lên:

– Sắc mặt A-cha Giảng như có hào quang!

Có người thực tế hơn:

– Thế là trưa hôm qua A-cha Giảng nhịn ăn, hôm nay phải ăn bù đấy nhớ!

– Phải vậy! Người khác nói – Kẻo xuống Nam Vang, người ta bảo là chúng ta đã bỏ đói A-cha, có mang tiếng oan uổng không chớ?

Thế là họ dọn cơm cho ông ăn. Mỗi người mỗi món, thật không thiếu thứ gì.

Ông cười vui:

– Bà con cho ăn hậu hĩ, thịnh soạn quá dzậy! Cứ xem cái chất lượng những món ăn này, ba ngày tới chắc tui không cần ăn mà vẫn còn đầy đủ năng lượng.

Do bị ép quá nên ông cứ ăn thêm một miếng, thêm một miếng mãi, nên khá no. Phải đi kinh hành non một tiếng để tiêu hóa.

Buổi chiều, họ chưa cho ông lên rừng, nói là còn dài ngày, phải nói đạo, nói thiền cho họ nghe đã. Thấy họ tha thiết và chân tình quá, ông đành phải ngồi lại.

Vậy là dưới các tàn cây mát mẻ, ngay tại bìa rừng  lại hình thành một pháp hội, trông hồn nhiên, vui vẻ mà cũng đạo vị vô cùng.

Ông mở đầu, lời rất từ tốn:

Tui không dám khoe pháp bậc cao nhân, cũng không dám nói quanh với bà con cô bác, là tu định thiền cũng như tuệ quán, bây giờ, đối với tui, nó như hơi thở, như cơm ăn, nước uống; nó cần thiết cho sự sống tâm linh của tui vô cùng. Lâu ngày nó quen thôi, chẳng tài giỏi chi cả. Bây giờ, bà con bắt bí tui, bắt tui nói đạo, nói thiền, tui biết nói cái gì, vì trình độ tui chỉ có hạn….

Họ lại lao nhao:

– A-cha Giảng lại khiêm tốn nữa rồi!

– A-cha Giảng ăn nói sao mà lại nhún nhường, dễ thương đến vậy!

Ông tiếp tục:

– Bây giờ bà con cô bác thử nói mình tu, mình niệm như thế nào; tâm trú vào đâu, trú như thế nào, bao lâu? Rồi nói tiếp nữa cho tui nghe xem, nơi thân xảy ra cái gì… như tê, ngứa, đau, nhức, rần rần, nhẹ lâng lâng, chớp ánh sáng hay là mát mẻ cả người như thế nào? Cứ kể hết đi, cứ nói hết đi! Bạn đạo với nhau dễ ăn, dễ nói? Rồi có ai lên cao được chút nữa, vào sâu được chút nữa thì có an lạc không? An lạc được bao lâu? Có ai ngồi an lạc hoặc trú tâm được hai ba tiếng không? Cứ nói đi, tui biết chừng nào thì tui nói chừng nấy; tui muốn hỏi về thiền định của bà con cô bác đó!

Rồi tuần tự người này kể rồi kẻ khác kể. Ông thấy rõ là chưa đâu vào đâu cả, chưa ai có cái gì cả, chỉ có được vài ba cái phỉ (pīti) chung chung.

Thế là ông phải giảng cái lộ trình thiền định, rất cặn kẽ, rất chi tiết cho hội chúng cư sĩ nghe. Để khuyến khích mọi người, ông kể cái hạnh phúc khi an trú được hai tiếng, ba tiếng, đôi khi cả đêm. Chưa nói đến những phước báu vi diệu của thiền định, chỉ cái lợi ích trước mắt của nó là tham lam, nóng nảy nó bớt đi; và lúc nào mình cũng trầm tĩnh, ổn định để đối nhân xử thế, xử lý mọi công việc làm ăn mà ít lầm lỗi hoặc không lầm lỗi như thế nào!

Giảng xong, ông chợt giật mình:

“- Có khoe pháp bậc cao nhân không đó? Có ngã mạn không? Có tự tin quá không? Có đúng chức năng của mình không?”

Khi tự xét là do mình có tâm với bà con mà thôi chớ không khởi tâm nào khác nên ông thở phào, nhẹ nhõm.

Mọi người có vẻ hoan hỷ. Số đông chia tay ra về, chừng mười người tình nguyện ở lại tu tập nhờ ông hướng dẫn. Thế là chiều tối, ông lên núi, vào hang, đến trưa hôm sau xuống bìa rừng ăn cơm với họ, ở lại ngồi thiền cùng họ, trực tiếp hướng dẫn cho họ.

Thoáng đã gần hết phép, ông và mười cư sĩ trở về chùa. Thiện nam tín nữ vây quanh lại, một lần nữa, họ yêu cầu ông khảo sát giùm cô tu nữ nói là đã đắc sơ thiền. Ngại ngùng, ông hỏi ý Sư Cả, ngài nói:

– Việc ấy cũng không sao, tôi cho phép. Vả lại, tu Phật, đức tính quan trọng nhất là sự chân thật.

Ông nói:

– Việc này quan trọng đây. Dzậy nhờ sư cả chủ trì. Nhờ ngài mời cho bằng được bốn vị cao Tăng, trưởng lão có thẩm quyền về thiền định, giáo điển, Pāḷi, cả vị thiền sư và cô tu nữ. Rồi trước hội chúng, có mặt tất cả chư thiện nam, tín nữ, con sẽ phỏng vấn từng câu một. Việc này nên công khai tại bảo điện, có Tam Bảo chứng minh!

Tối hôm ấy, khoảng hai mươi giờ tối, cuộc “khảo sát” được tiến hành như dự định. Vị sư cả cùng bốn vị trưởng lão đồng chủ trì, bên cạnh là vị thiền sư, nhỏ hạ hơn. Cô tu nữ người Miên chừng ba mươi sáu tuổi cũng đã có mặt và khoảng vài trăm thiện nam tín nữ tham dự.

Sau vài lời giáo từ của sư cả, ông đảnh lễ chư vị trưởng lão rồi bắt đầu công việc của mình. Ông hướng đến cô tu nữ, mở lời:

– Đây là do yêu cầu của bà con cô bác, bất đắc dĩ tui mới mạn phép hỏi cô vài lời, mong cô bỏ lỗi cho tui. Dzậy chúng ta hỏi hay đáp đều phải được y cứ trên sự thật, vì đạo Phật là đạo như thật.

Mọi người “Sādhu, lành thay!”.

Ông tiếp tục:

– Hôm nay có mặt vị thiền sư, dzậy có phải ngài thiền sư đây đã có tuyên bố cô đắc định sơ thiền? Cô hãy nói sự thật đi! Sự thật như thế nào cô hãy nói như dzậy, không ngại ngùng chi cả.

Cô tu nữ im lặng. Hỏi ba lần một câu mà cô vẫn không trả lời.

Vị thiền sư đỡ lời:

– Có lẽ trước quá đông người nên cô sợ hãi, không dám nói chăng?

Ông tự nghĩ:

“- Vị thiền sư này nói trật rồi! Vậy thì đây là chân lý, là sự thật, lợi ích cho nhiều người, ta sẽ không cả nể, không nhân nhượng nữa!”

Ông cứng rắn đáp:

– Chư vị trưởng lão hãy chứng minh sự thật cho! Con sẽ lần lượt đọc ra đây ba đoạn kinh Pāḷi, một đoạn nói về năm quả báo cho người bố thí, năm quả báo cho người trì giới, năm quả báo cho người thiền định…

Rồi ông đọc ba đoạn kinh Pāḷi.

Một vị trưởng lão lắng nghe kỹ rồi gật đầu, xác nhận:

– Tôi hiểu. Ông đọc Pāḷi ba đoạn kinh ấy, phát âm chưa chuẩn xác lắm nhưng mà tôi nghe được. Theo đó, đại khái là đức Phật có dạy rằng, người bố thí có năm quả báu, mà quả báo thứ ba là không rụt rè, sợ hãi trước bất cứ đám đông, hội chúng nào. Người trì giới cũng có năm quả báo, mà quả báo thứ ba cũng y như vậy. Còn người có thiền, có định có quả báo nhiều hơn vậy nữa thì không lý gì lại rụt rè, sợ hãi trước đám đông người.

Một vị trưởng lão mỉm cười nhẹ:

– Ngài thiền sư của chúng ta nói sai rồi!

Một vị trưởng lão khác nhìn ông bằng tia mắt ấm áp:

– Ông cư sĩ hoàn toàn nói đúng rồi! Hãy tiếp tục!

Cả hội trường lại vang rân lên “sādhu, lành thay”,“Đúng rồi! Đúng rồi!”

Thấy cô tu nữ im lặng, ông quay qua vị thiền sư:

– Thưa ngài, con không có cách chi để cô tu nữ phải mở miệng được, dzậy thì phải phiền đến ngài thôi, xin ngài từ bi hỷ xả tha lỗi cho. Câu hỏi của con như thế này: Tại sao ngài nhìn nhận cô tu nữ đắc định sơ thiền?

Vị thiền sư đáp:

– Vì cô trình pháp với tôi.

– Cô đã trình như thế nào, thưa ngài?

– Cô nói cô đắc định sơ thiền.

– Vậy là ngài tin.

– Vâng, tôi tin.

– Thế ngài không hỏi kỹ càng, nhập sơ thiền là nhập như thế nào chăng?

– Tôi không hỏi.

– Kể cả trạng thái tâm, cảnh như thế nào, ngài cũng không hỏi chăng?

– Tôi cũng không hỏi.

Ông cất giọng lớn:

– Ngài thiền sư của chúng ta lại sai một lần nữa rồi. Ví như ngài hỏi một đệ tử rằng: “Con đến chợ Battambamg chưa? Người đệ tử đáp: “Dạ, con đến rồi”. Thế là ngài tin, lần sau, ngài lại bảo: “Con đến ngôi chợ đó, tìm mua cho ta mấy chục thước vải vàng rồi về ngay nghen!”. Người đệ tử lúng túng, vì có đến chợ nhưng chưa biết bên trong chợ, cái hàng vải nằm chỗ nào! Tại sao dzậy? Đến rồi là khác. Đến rồi mà có vào trong chợ không lại khác nữa. Vào trong chợ rồi nhưng hàng rau cải chỗ này, hàng tạp hóa chỗ kia, hàng vải vóc chỗ nọ lại càng khác hơn thế nữa. Cũng tương tợ như dzậy, nhập thiền mà không hỏi trong thiền đó như thế nào để tin chắc thật sự là có nhập thiền chớ? Ngài sao cả tin quá dzậy!

Vị thiền sư ngồi nín thinh.

Ông cũng chưa chịu buông tha:

– Đi vào cụ thể một chút nữa, là kinh nghiệm của ngài: Định sơ thiền thì có những thiền chi nào phát sanh; rồi thiền chi nào đối trị với triền cái nào?

Vị thiền sư trả lời bằng Pāḷi, năm thiền chi đối trị năm triền cái rất rõ ràng(1).

Ông đáp:

– Ngài thiền sư trả lời đúng, xin chư vị trưởng lão hãy xác nhận cho.

Các ngài gật đầu xác nhận sự thật.

Ông hỏi tiếp:

– Lúc sukha (an lạc) phát sanh, ta còn biết các đối tượng bên ngoài chăng?

– Sukha nhẹ thì còn biết rõ. Sukha mạnh thì biết mơ hồ.

Ông nói:

– Ngài thiền sư lại đúng nữa, xin chư trưởng lão xác nhận sự thật cho.

Các ngài gật đầu, xác nhận.

Ông hỏi tiếp:

– Khi nhập định, tâm ta như thế nào, còn biết đối tượng bên ngoài chăng?

Cận hành thì còn biết, vào an chỉ định thì không còn biết gì bên ngoài nữa.

– Ngài thiền sư trả lời đúng, xin chư vị trưởng lão xác nhận cho một lần nữa.

Các ngài lại gật đầu, xác nhận.

Ông hỏi tiếp nữa:

– Nhập định là tâm trú vào một cảnh giới, vậy cảnh giới ấy là ở chỗ nào trong thân, hay ở ngoài thân(2), thưa ngài thiền sư?

Thiền sư lại im lặng. Im lặng khá lâu và khuôn mặt có vẻ lúng túng.

Đến đây, ông dõng dạc kết luận:

– Câu hỏi cuối là câu hỏi tối hậu, ai có kinh nghiệm định sơ thiền là vị ấy trả lời được ngay, không ngập ngừng, không do dự. Con xin mạn phép thưa chư vị trưởng lão để xác quyết sự thật này, có Tam Bảo chứng minh: Là cô tu nữ của chúng ta chưa đắc định sơ thiền, mà thầy của cô, ngài thiền sư, cũng chỉ mới đạt sukha (an lạc) trong định sơ thiền mà thôi, chưa vào “an chỉ” của định sơ thiền được!

Chư vị trưởng lão gật đầu. Một vị mỉm cười nhẹ, nói nhỏ vừa đủ cho ông Giảng nghe:

– Ông hỏi câu khó! Hoặc câu hỏi ấy sai! Nếu suy nghĩ một hồi rồi mới trả lời là chưa đắc. Nếu kẻ đã đắc rồi, thấy rồi – thì câu hỏi kia chỉ là trò cười!

Ông Giảng hoảng sợ:

– Đệ tử từ rày không dám thế nữa!

Cả hội chúng tán thán, hoan nghênh ông không hết lời. Trong lúc đó thì ông lặng lẽ quỳ xuống, đảnh lễ chư vị trưởng lão, rồi quay qua đảnh lễ ngài thiền sư rồi nói rằng:

– Dẫu đấy là sự thật, nhưng xin ngài hãy xá tội cho con!

Tiếng “sādhu, lành thay” của hội chúng lại cất lên hoài không dứt.

Khuya đến, ông tự vấn:

“- Mình có làm cái chi quá đáng không?”

Một hồi rồi ông tự trả lời:

“- Sự thật thì nên làm dzậy để lợi ích thật sự cho nhiều người!”

Sau đó, ông mỉm cười:

“- Hóa ra, trình bày, kiến giải hoặc tranh luận giáo pháp cũng là một hạnh phúc”.

Rồi ông tự cho phép mình được“giải đãi” ngủ một giấc để ngày mai rời Battambang.

 


(1) Tầm (vitakka) đối trị hôn trầm, thụy miên (thīnamiddha); Tứ (vicāra) đối trị nghi (vicikicchā); Phỉ (pīti) đối trị sân (vyāpāda); Lạc (sukha) đối trị trạo hối (uddhacca-kukkucca); Nhất tâm (ekaggatā) đối trị dục lạc (kāmachanda).

(2) Định, nói trú vào một cảnh giới thì chỉ là cách nói, chính xác hơn là duy trì các sát-na tâm định. Định thâm sâu là như một giấc ngủ ngon không mộng mị (dòng bhavanga trôi chảy bình lặng), không còn cảnh trần cho lục căn xúc đối với lục trần. Nói ở trong thân hay ở ngoài thân đều sai. Đây là định ngàn xưa của Bà-la-môn giáo (Xem thêm cách nói của vị thiền sư ở đoạn đối thoại phía dưới).