Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78867 Lượt xem

TIẾP TỤC HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TU HỌC

 

Trở lại tỉnh Stung-Treng, ông quan sát thấy buổi sớm chư Tăng Lào đi bát nơi này và nơi kia mà có lẽ vật thực cũng khó khăn. Hôm kia, ông tìm đến một ngôi chùa Lào có khá đông Tăng chúng, gặp vị Sư Cả, đảnh lễ rồi xin từ nay, thỉnh mười vị sư đặt bát tại nhà. Ông nói tiếng Miên, và may thay, chư Tăng Lào ở tỉnh này thường nói được cả tiếng Miên. Qua câu chuyện, Sư Cả thăm hỏi nguồn gốc, quê quán, cả sở học và duyên tu. Ông trình bày lại. Vị Sư Cả rất hoan hỷ. Trước khi ra về, tự dưng ông khởi lên ý nghĩ là phải học tiếng Lào, biết đâu, sau này, lúc nghiên cứu, giáo điển Miên và giáo điển Lào có chỗ đồng, chỗ dị? Không biết vị sư cả có đọc được ý nghĩ của ông không, mà ngài mỉm cười rồi nói: “Nếu muốn học tiếng Lào, cũng không khó lắm đâu!”

Hôm đó, ra về, ông còn cảm giác lạnh cả người, tự nghĩ rằng:

“- Hóa ra, đất Phật là nơi long đàm, hổ huyệt, đâu đâu cũng có thể gặp bậc chân tu; và họ còn có cả khả năng thắng trí – nơi một vị sư già trông rất xuề xòa, rất bình thường này!”

Thế là từ đó, cứ mỗi buổi sáng, ông đánh thức chú bé Lào dậy sớm nấu ăn qua quýt, đưa tiền cho chú đi chợ mua rau, bún, nấm các loại rau, đồ nêm nấu, gia vị… rồi về nhà nấu sẵn mười phần cơm, đợi ông về. Vào sở, sau khi chỉ bày công việc cho nhân viên, đích thân ông đi mua thêm một ít thức ăn mặn và các thứ khác, khoảng tám giờ là ông đã có mặt tại nhà. Rồi tự tay ông nấu nướng, chiên xào các món ăn. Lối chín giờ là ông đã sẵn sàng đặt bát cho mười vị sư, và bao giờ ông cũng gởi thêm một phần để nhờ dâng cho vị Sư Cả. Còn mình thì ông cũng mang theo một phần để vào sở ăn trưa. Trong thời gian này, ông tìm cách học tiếng Lào với chú bé Lào; và ông nghiêm khắc ra lệnh cho phép mình chỉ nói tiếng Lào với chú bé chứ không được nói tiếng Miên nữa. Chỉ tháng đầu còn bập bẹ, ngượng ngập, riết rồi cũng quen, cũng sành sõi như ai!

Nhờ công việc diễn tiến đều đặn, không có những việc đột xuất nên ông đặt bát cúng dường như thế liên tục được sáu tháng dài.

Đây là vùng đất heo hút, xa vùng ven vài cây số là những trận giao tranh, bom rơi, đạn lạc, ruộng đồng xơ xác, dân chúng đói nghèo! Ông cảm thấy xót xa nhưng bất lực. Tại tỉnh lỵ, không có bất kỳ một thú vui giải trí nào nên dân chúng hễ rảnh là tụ nhau đánh bạc, uống rượu. Tại các công sở cũng vậy. Tại dinh của quan Huyện, người Miên, ông ta cũng chứa chấp đánh bạc. Nhận thấy đây là một tệ nạn, ông quyết tâm lần hồi cảm hóa. Đầu tiên, ông mời một số công chức người Việt đến nhà chơi, ăn cơm, đàm đạo. Rồi một vài công chức người Pháp, người Miên, người Lào đến nhà ăn cơm, đàm đạo. Ban đầu là những đạo lý sống ở đời rồi sau đó từ từ đi vào Phật Pháp. Sau đó, có một vài người tu theo ông và ông đã biến cái phòng khách của mình thành một đạo tràng nho nhỏ. Chú bé người Lào phụ trợ hóa ra lại được việc. Cứ hễ có cơ hội là chú kể cho khách nghe việc ông chủ ngồi thiền suốt đêm, ánh sáng tỏa ra xung quanh như một vị Phật sống! Thế là một người, hai người xin học thiền; rồi cứ vậy nó lan ra. Tiếng tăm ông vang dậy trong giới tu học. Vị Sư Cả nghe tiếng cũng tìm đến thăm ông. Rồi chư sư, rồi thiện nam tín nữ bản địa cũng đến thăm ông nữa.

Hôm kia, đúng ngày bát quan trai giới, ông mang vật thực và tứ sự đến chùa cúng dường. Ông thấy thiện nam tín nữ rất đông, ngồi đầy cả chánh điện, họ tụng kinh, lạy Phật mà không thấy thọ bát quan trai giới. Ngạc nhiên, ông hỏi mấy người bên cạnh; họ đáp, chúng tôi chỉ thọ một tháng bốn kỳ mà thôi.

Nghe vậy, ông đứng dậy, nói lớn:

– Xin bà con cô bác yên lặng để cho tui nói vài câu, được chăng?

Mọi người ở đây, có số đã biết mặt ông, có số đã nghe tiếng ông, nên họ đồng lắng tai nghe.

Ông cất giọng dõng dạc:

– Thuở đức Phật còn tại tiền, chư thiện nam tín nữ đến chùa đều xin thọ trì bát quan trai giới mỗi tháng sáu ngày. Sau khi đức Phật nhập diệt ba tháng, đại hội kết tập Tam Tạng lần thứ nhứt, có năm trăm vị Thánh Tăng A La Hán tham dự, quý ngài đã cùng nhất trí tăng thêm hai kỳ nữa, tức là tháng tám kỳ! Dzậy, tất cả chúng ta đều có duyên may gặp được chánh pháp, sao không cố gắng, hãy cùng chúng tôi tu bát quan trai giới mỗi tháng tám kỳ để khỏi uổng phí một kiếp làm người? Bà con có thấy đó là một phúc lành cao thượng hay chăng?

Không ngờ, sau lời phát biểu của ông, cả chánh điện vang rân lời “Sādhu, sādhu – lành thay!” làm cho ông vô cùng hạnh phúc. Không bỏ lỡ cơ hội, ông tức khắc đi ngay đến liêu thất của Sư Cả, thỉnh ngài đến chánh điện cho giới bát quan đến thiện nam tín nữ.

Vị Sư Cả nhướng mắt:

– Ông nói cái gì? Cho tất cả mọi người sao?

Dzà phải! Con và tất cả mọi người.

Nói thế xong, ông kể lại việc vừa rồi ở trong chánh điện cho Sư Cả nghe.

Sư Cả tán thán:

– Giỏi! Giỏi! Tôi làm Sư Cả chùa này hơn hai mươi năm mà tôi đã cố nhắc nhở họ thêm hai kỳ nữa thôi, cũng không được! Còn ông, chỉ nói một câu, đúng là một câu thôi, họ lại theo rần rần mới lạ! Lại cả tám kỳ nữa chớ!

Khi bước ra chánh điện, vị Sư Cả vỗ nhẹ vai ông:

– Cầu Phật gia hộ, với hiện tượng này thì ông sẽ mang được giáo pháp về Việt Nam. Chư thiên đang ở bên ông đó. Hãy luôn hồi hướng đến họ.

Ông vô cùng cảm kích, cúi đầu, lắp bắp: “Thưa dzâng, thưa dzâng!”.

Chuyện như thế thôi mà truyền lan cả tỉnh. Các viên công chức tìm đến ông, xin được học thiền, bỏ đánh bạc, uống rượu. Dân chúng nơi này nơi kia cũng bỏ bớt cờ bạc, rượu chè tìm đến ông hoặc đến chùa nghe pháp.

Hôm kia, Sư Cả nói với ông:

– Tôi là người Lào, nếu có giảng pháp thì chỉ có người Lào, một ít người Miên, người Việt nghe mà thôi. Còn ông là người Việt, có uy tín với người Pháp, với người Việt, cả với người Miên, Lào; nếu mà ông giúp tôi giảng pháp, mỗi tháng một kỳ cũng được, thì thật là lợi ích cho mọi người lắm lắm!

Ông sợ hãi:

– Con không dám, con không có đức độ!

Rồi Sư Cả tâm sự như để thuyết phục:

– Thời buổi nhiễu nhương, mạng sống của con người như cỏ rác, sớm còn tối mất. Nếu an trú cho ai đó có qui, có giới, nếu súng đạn vô tình hay hữu ý mà cướp đi sinh mạng của họ thì ta cũng mãn nguyện làm được một việc phước đức. Ông là cư sĩ nhưng ông có giới, có định, có tuệ đấy. Thân là cư sĩ nhưng tâm ông có khác nào là bậc xuất gia? Hãy mạnh dạn lên. Tôi mà cho phép thì ở tỉnh này không ai dám nói gì đâu!

Vậy là tuân lời Sư Cả. Mỗi tháng ông chọn ngày cuối tháng để thuyết pháp, bằng tiếng Miên. Ông không dám ngồi trên tòa Pháp Sư, mà ông ngồi giữa chánh điện cùng với thiện nam tín nữ xung quanh. Lúc này, trình độ giáo pháp của ông đã khá vững vàng. Sau thời pháp, một số người đặt câu hỏi. Có hai ông Tây tò mò đến nghe, dẫu không hiểu thời pháp nhưng cũng hỏi. Ông trả lời lưu loát bằng tiếng Pháp. Một số người Việt hỏi, ông trả lời bằng tiếng Việt; và tương tự như thế là với cả người Lào. Dường như mọi người đều thỏa mãn, hoan hỷ.

Vị Sư Cả vui sướng, tươi rạng cả khuôn mặt, ân cần nói nhỏ với ông:

– Phật giáo là của cả thế giới, cho cả nhân loại. Chư thiên xúi ông đến đây là để giúp tôi một tay đó!

Còn ông quan huyện, người Miên, hôm kia đến gặp ông, nói rằng:

– A-cha Giảng lên đây giảng pháp, nói đạo làm cho nhà tôi không còn chứa bạc được nữa. Thôi! Từ nay tôi cũng cùng xin tu với A-cha Giảng luôn! Cuộc đời buồn quá, A-cha Giảng ơi!

Nghe vậy, trong lòng ông rất sung sướng, cố lắng tai nghe:

– Thực dân Pháp bóc lột, vơ vét của dân đen. Các ông quan Pháp có vũ khí trong tay, bắn dân không biết lúc nào. Tôi làm quan là muốn gánh bớt cho dân đỡ khổ nhưng rồi lại bị các phong trào vệ quốc yêu nước chưởi rủa. Bên này hiểu lầm, bên kia nghi kỵ, tôi mua vui trong chén rượu, canh bạc đỏ đen để qua ngày, qua tháng. Nay A-cha Giảng đã mở mắt cho tôi, hóa ra tu hành cũng có niềm vui đó!

Ông cảm động, nói chuyện với ông quan huyện một hồi nữa về biệt nghiệp và cộng nghiệp để cho ông hiểu rõ thêm cái khổ, cái vui của mỗi cá nhân nó còn nằm trong cái khổ, cái vui chung của cộng đồng, xã hội là như thế nào.

Thấy cư dân xứ sở này hiền lành, bắt đầu nghe theo ông để tu tập nên hôm kia, ông khởi tâm bỏ tiền ra để làm một cuộc trai Tăng lớn, gồm một trăm vị sư mời thỉnh trong bảy chùa. Do cuộc lễ tương đối lớn lao, so với tỉnh nhỏ nầy, nên sau khi mời quan huyện, ông mời luôn cả quan Chánh và Phó chủ tỉnh người Pháp cùng đến tham dự.

Vị Sư Cả ngần ngại:

– Có được không? Họ đâu có tin Phật?

Ông giải thích:

– Người Tây họ khác mình. Hai ông chủ tỉnh nầy có trình độ giáo dục, văn hóa rất cao! Ngài cứ tin con đi, chỉ vì lịch sự thôi, họ cũng phải đến dự lễ rồi, huống chi đây là địa phận do họ quản nhậm, họ phải biết con dân của họ làm cái gì chớ?

Muốn cho cuộc lễ quy mô, trọng thể một chút,  ngoài việc đặt bát một trăm vị sư, ông mời thêm chừng năm trăm thiện nam tín nữ cùng đến, cùng dùng trưa, cùng hành thiền, kinh hành… Ông nhờ khoảng ba mươi cô người Việt lo việc nấu ăn, hào soạn, có hai mươi cô người Lào cùng giúp một tay. Ông trao các cô mười sáu đồng(1), bảo nếu thiếu, ông sẽ đưa thêm.

Quan Chánh và Phó chủ tỉnh đến, mỉm cười, nói với ông rằng:

– Ông triệu tập dân của tôi ở đâu mà đông vậy? Kiểu này, nếu ông mà lãnh đạo quân dân kháng chiến, ông chỉ hô một tiếng là chúng tôi nguy to!

Ông cười xòa, thành thật giải thích:

– Rồi ngài sẽ thấy! Ai kháng chiến thì họ vào rừng vào rú cả rồi; còn những người già cả, chân yếu tay mềm này, họ chỉ biết tu thôi đó! Chúng tôi cũng dzậy! Kiếp người là kiếp phù du, chúng tôi chỉ lo hạnh phúc cho nhiều đời.

Chứng kiến cuộc lễ trọn từ đầu đến cuối, quan Chánh và Phó chủ tỉnh từ chối dùng trưa, dẫu được mời; nhưng trước khi ra về, ông Chánh chủ tỉnh phát biểu ý kiến:

– Đạo Phật giúp cho con người hiền lành, thuần hậu. Họ dẫu đói nghèo nhưng rất vui tươi, rất an lạc. Rồi ông cũng giúp tôi cách đặt bát cúng dường cho chư sư chớ?

Vậy là cuộc lễ thành công. Gặp các cô lo việc bếp núc để tính toán chi phí. Các cô trả lại ông mười sáu đồng, nói rằng:

– Thiện nam tín nữ họ không chịu. Họ đã cùng hùn tay được hai mươi đồng để lo cho toàn bộ chi phí ngày hôm nay. Họ còn bảo, A-cha Giảng có phước nhiều rồi, hãy cho họ được kiếm chút ít phước báu!

Nói thế là ông đành chịu. Hóa ra không tốn đồng nào cả mà tổ chức được buổi lễ rất lớn, vang động cả tỉnh thành. Riêng ông thì ông không quan tâm việc nổi danh mà ông mừng ở chỗ là tín tâm, đạo tâm của Phật tử như được tăng lên một bực; kể cả hai ông Chánh và Phó chủ tỉnh cũng đã thay đổi cách nhìn, lại còn muốn đặt bát nữa chớ!

Xong việc, về nhà, gần tối thì có một ông Phán người Việt tìm đến, nói rằng:

– Hồi sáng, tham dự lễ, được đặt bát cúng dường, tôi hoan hỷ quá, kể lại cho vợ con nghe. Ai cũng thích. Vợ con tôi muốn mời thỉnh mười vị sư để trai Tăng tại nhà hầu hồi hướng phước báu đến cho ông bà cha mẹ nhiều đời mà tôi lại không biết cách! A-cha Giảng hướng dẫn cho tôi với nghe!

– Ông Phán ở đây rất lâu mà! Chắc phải rành rõi hơn tui chớ?

– Không đâu! Mời thỉnh chư sư tôi không biết cách, và ngay cả người nấu nướng cho mười vị một lúc, tôi cũng không biết nhờ ai! Rồi còn cách thức lễ nghi, đọc kinh gì đó, tôi đâu có biết!

Thế là ông phải giúp. Viết giấy đến Sư Cả để thỉnh mười vị, và nhờ ngài cho ba cô người Việt đến hướng dẫn cùng phụ giúp nấu ăn.

 


(1) Thuở đó, một cắc bạc, thêm vài xu nữa đủ mua thức ăn, rau cải, gia vị làm thực phẩm cúng dường cho 10 vị sư. Một đồng có 10 cắc – hơn 01 đồng đã có khả năng đặt bát 100 vị. Ông đưa một lúc cả 16 đồng là tính luôn thức ăn cho cả 500 thiện nam tín nữ ông mời! Vậy, 16 đồng là cả một số tiền lớn!