Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79053 Lượt xem

NGÔI CHÙA THERAVĀDA – VIỆT KIỀU ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT CAMPUCHIA

 

Cũng tháng 7, tháng 8 năm 1935, tại tỉnh Prey-Veng xẩy ra nạn dịch trâu bò, trong thời gian ấy, ông Giảng bận quá nhiều về Phật sự nên hoạt động nghề nghiệp chuyên môn thường giao cho các y sĩ dưới quyền nên việc chẩn trị thiếu hiệu quả. Viên Chánh chủ sở thú y bị quan Công Sứ khiển trách. Qua điều tra, biết ông Giảng lúc này hay về Phnôm-Pênh say sưa hoạt động tôn giáo nên ông thảo công văn đệ trình tòa Công Sứ với nội dung như sau:

“- Viên bác sĩ thú y người Việt, ông Lê Văn Giảng, trước đây là một cán bộ mẫu mực, tận tụy, mẫn cán, nhưng từ khi tham gia hoạt động tôn giáo thì nghề nghiệp chuyên môn bị giảm sút. Kính đề nghị tòa Công Sứ cho thuyên chuyển ông ta đến tỉnh biên giới Stung-Treng để cách ly hoạt động tôn giáo của y!”

Tòa Công Sứ điện công văn xuống với nội dung:

“- Tòa chấp thuận. Hãy thăng trật cho ông ta trước khi thuyên chuyển. Tỉnh Stung-Treng cũng đang bị nạn dịch súc vật. Hãy xem thử sự phục vụ của ông ta còn được như trước nữa không! Nếu tình trạng này không cứu vãn được thì sẽ dẫn đến việc ‘xin nghỉ việc’ để hoạt động tôn giáo, đúng như sở nguyện của đương sự đấy!”

Công văn lui tới đã lâu mà mãi cho đến ngày 01 tháng 3 năm 1936, ông Giảng mới nhận được sự vụ lệnh, được thăng ngạch bác sĩ thú y hạng nhất rồi thuyên chuyển đến tỉnh Stung-Treng.

Trở lại Nam Vang, cầm sự vụ lệnh trong tay nhưng ông chưa vội đến nhiệm sở mà đi thẳng đến chùa Sùng Phước.

Đến nơi, thật may là ngày chủ nhật nên gặp mọi người rất đông. Bên bàn nước, rất nhiều chuyện được họ thảo luận; như đạo tràng tu học, tu là tu như thế nào, thờ tự như thế nào… Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, họ có trí thức, nhiệt huyết nhưng kiến thức về giáo pháp thì họ còn mơ hồ, chưa nắm vững cho lắm.

Nhìn lên chánh điện, ông thấy Ba Lý, nhất là các sư Cả Thạnh, Tuệ Báu trước đây đã phản ánh rất đúng: Thuở trước người ta thờ tự nhiều Phật, Bồ Tát quá; hai bên tả hữu cũng vậy, trông như đa thần giáo. Ông không vội vàng điều chỉnh, và đã phải cẩn trọng, từ từ giảng giải cho họ hiểu. Ông đã để suốt nhiều giờ trình bày đâu là giáo pháp gần với nguyên thủy, đâu là tư tưởng của các bộ phái phát triển. Chỗ nào bị ảnh hưởng Bà-la-môn, chỗ nào bị ảnh hưởng Khổng, Lão cùng những tín ngưỡng dân gian. Nhờ lập luận vững chắc, kiến thức khá quảng bác và nhất là có năng lực của công phu hành trì, tu tập, ông đã tạo được niềm tin và thuyết phục được hội chúng.

Khi thấy mọi người hoàn toàn tin tưởng, ông đề nghị chính giữa chỉ nên thờ tự Phật Thích Ca, còn các pho tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, mười tám vị La-Hán, Quan Công, ông Táo, ông Địa, ông Tiên, ông Thiện, ông Ác gì gì… thì xin thỉnh ra hậu tổ hết. Thế là gần như suốt ngày hôm ấy, ông phải ở lại đây, cùng xắn tay với mọi người, sắp xếp, quét dọn, chỉnh trang nơi thờ tự cho tôn nghiêm, dị giản, thanh tịnh.

Khi chia tay, ông Viên(1) nói:

– Tôi đã quyết định rồi, tôi sẽ xuất gia!

Ông Tông(2) cất giọng thủng thỉnh, lại ví dụ cái chuyện con thỏ:

– Có hai con thỏ chạy sau, một con đã chạy rồi, con kia cũng ráng mà chạy theo thôi!

Ông Giảng nghe, biết ý, vô cùng mừng rỡ. Ngắm nhìn khuôn mặt hiền từ, vóc dáng cao lớn của ông Viên; rồi nhìn qua vầng trán cao rộng, khuôn mặt sáng sủa thư sinh của ông Tông, tự biết họ đều là những nhân cách lỗi lạc, ông nắm chặt tay của cả hai người:

– Các bạn hãy đi trước! Cứ hẹn nhau như dzậy! Rồi ông cũng nói vui với các bạn – Tôi đúng là con rùa, nhưng con rùa này chạy chậm thật sự đó nghen!

Ông Ba Lý đưa tay chỉ Sáu Hoa và Ba Diên:

– Hai ông Phán và ông Thông này sẽ nằm trong ban dịch thuật của chúng ta đây.

Ông Hương mỉm cười:

– Thế thì các bạn dịch kinh sách được bao nhiêu thì tôi là người chịu trách nhiệm in ấn bấy nhiêu!

Cuộc gặp mặt này hóa ra là tạo cho duyên kỳ ngộ được bền chặt; như thêm phân, thêm nước cho cái cây hoằng pháp sớm đơm hoa kết trái.

Mấy ngày sau ông mới đến được nơi trấn nhậm. Đây là một tỉnh biên thùy, giáp ranh Lào, cách Nam Vang chừng bốn trăm cây số ngàn. Được biết ở đây có khá đông cư dân người Việt và người Lào.

Nhà nước giao cho ông một tòa nhà khá to lớn, rộng rãi có bốn phòng khá tiện nghi, đầy đủ điện, nước, nhà bếp, nhà vệ sinh đàng hoàng, sạch sẽ. Ông ngủ một phòng, một phòng làm việc, một phòng dành tiếp khách. Người ta cũng đã cho sẵn một chàng trai Lào khoảng mười bốn tuổi làm người giúp việc tay chân, ông cho ở một phòng. Sớm sớm có tài xế mang xe chở đến sở làm. Ông ăn cơm tại nhà có chú giúp việc lo chợ búa, nấu ăn khá chu đáo.

Thuở ấy, bác sĩ thú y như ông, thuộc vào hàng quan lớn có lương bổng rất cao. Nơi nào công chức người Pháp ở đông thì nghề chăm sóc dịch bệnh súc vật, khám thịt đã trở thành quan trọng đối với họ, vì họ ăn ở rất vệ sinh, lúc nào cũng sợ những căn bệnh lây nhiễm từ heo, bò, gà, vịt… Ông là quan lớn, là bác sĩ thú y hạng nhất, làm việc lâu năm nên dạy, hướng dẫn cán bộ, nhân viên là chính; lúc cần, ông đến tận hiện trường, chỉ bày cặn kẽ cho nhân viên. Do công việc nhàn hạ nên ông thu xếp chương trình để đọc thêm kinh sách, học thêm tiếng Miên và tiếng Pāḷi. Nhưng đọc, nghiên cứu và soạn dịch thì nhiều hơn.

Chừng nửa tháng sau, ông nhận được điện tín có nội dung như sau:

“- Chua đinh to chuc le ket gioi sima ong hay ve sung phuoc huong dan anh em – ba ly” (Chùa định tổ chức lễ kết giới Sīmā. Ông hãy về Sùng Phước hướng dẫn anh em! Ba Lý!).

Biết vậy, ông rất mừng, bèn điện trả lời:

“- Hay nho cac su huong dan tui ban cong viec nha nuoc tiec la khong ve duoc chuc moi dieu tot lanh! giang!” (Hãy nhờ các sư hướng dẫn. Tui bận công việc nhà nước, tiếc là không về được. Chúc mọi điều tốt lành! Giảng!)

Hơn nửa tháng sau nữa, ông nhận được điện tín khác, với mấy dòng:

“- Cuoc le thanh cong tot dep ong than sang du le bi dau nang hien nam tai sung phuoc – ba ly!” (Cuộc lễ thành công tốt đẹp. Ông thân sang dự lễ, bị đau nặng, hiện nằm tại Sùng Phước – Ba Lý!)

Đọc nội dung điện tín, ông bán tín, bán nghi, bèn vào phòng, ngồi thiền, hướng tâm xem thử. Hình ảnh ông thân hiện ra, mạnh khỏe, hồng hào không có triệu chứng ốm đau gì cả. Nên vào sở, ông không xin phép. Chiều, nhận thêm một điện tín nội dung như cũ, lại có thêm mấy chữ “Về Sùng Phước gấp”! Ông nghĩ, hay là hồi sáng, mình hướng tâm không kỹ; thôi để tối, lúc hành thiền nhìn xem một lần nữa coi! Tối, quả thật, cũng như ban sáng. Đêm ấy, ông còn biết hai việc. Thứ nhất, là nhóm cư sĩ ở Sùng Phước có mời hai mươi mốt vị tỳ-khưu đến chùa làm lễ kết giới Sīmā. Lễ xong, Phật tử trong vùng tìm đến rất đông. Có một số cư sĩ Bắc tông hỏi đạo, hỏi pháp rất “cay nghiệt” nên họ cầu viện ông đến đấy! Do không biết cách chi mời ông nên họ giả mạo cái điện tín.

Ông tự nghĩ:

“- Các bạn ta cần thì ta phải đến ngay tức khắc. Họ đều có Nho học và Tây học nhưng đụng đến kiến thức các hệ phái phát triển, nếu chưa nghiên cứu thấu đáo, e cũng phải bó tay. Mình cũng chỉ mới nghiên cứu chút ít, chưa đâu vào đâu, nhưng mình tự tin là có thể trả lời được. Nhưng là công chức của nhà nước, ta đâu có thể đi là đi được sao, trong lúc vừa mới chân ướt chân ráo đến làm việc, mà cái gì họ cũng đặc biệt ưu tiên cho mình cả! Việc thứ hai, mình sẽ đi, vì chỉ một tuần nữa là ông thân sẽ đích thân lên thăm mình ở đây mà!”.

Và quả thật như thế, một tuần sau thì ông thân lên chơi. Và ông thân cũng vui vẻ tường thuật câu chuyện y như vậy; họ đã xin lỗi ông thân trước khi thảo cái điện tín ấy.

Mấy ngày sau, thu xếp công việc, ông cùng với ông thân trở lại Sùng Phước, tổ chức cho bạn hữu tu tập ba ngày. Và những câu hỏi đạo “cay nghiệt” mấy hôm trước đã được ông giải đáp thỏa đáng. Hầu hết họ đã bỏ cách tu tập theo Bắc tông truyền thống là tụng kinh, ăn chay, niệm Phật Di Đà và xu hướng theo cách tu tập do ông hướng dẫn: Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai giới, tham thiền, kinh hành. Ai cũng hoan hỷ.

Ngôi chùa Sùng Phước và hội Phật học An Nam, từ đây được biến thành tu viện Theravāda với sự chấp nhận của chính quyền bảo hộ và gia nhập vào giáo hội Phật giáo Campuchia.

Cũng từ thời điểm này, quyển sách “Nhựt hành của người cư sĩ” của ông Giảng đã được ông Hương cho in ấn để phát cho Phật tử tu tập. Đồng thời, ban dịch thuật và ban biên tập tờ tạp chí “Ánh sáng Phật pháp” được phụ trách bởi một lực lượng hùng hậu: Đó là ông Giảng làm chủ nhiệm; ông Tông, ông Viên làm trưởng, phó ban biên tập; Ba Lý, Sáu Hoa trông coi quản trị, điều hành; Ba Diên, Phán Nghiêm thường trực ban trị sự và thủ quỹ… với những cây bút như Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê, Tô Kim Phước, Lý Văn Ngữ, Trương Phong Vĩnh, Dương Văn Phát, Francois Nguyễn, Lê Minh Học…

Riêng ông Văn Công Hương không nhận nhiệm vụ vì ông chuẩn bị đâu đó về định cư ở Sài Gòn rồi.

Cũng lần đầu tiên ở đây, các sư Khờ Me và Việt thay nhau thuyết pháp bằng ba thứ tiếng, lần lượt là Pāḷi, Khờ Me và Việt, nên không bao lâu đã có chân đứng vững vàng trong lòng cư dân người Việt, đã trở nên nổi danh bởi sự tu học nghiêm túc và chơn chánh. Chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ cũng như ở tại  Campuchia khuyến khích sự hợp pháp của các tổ chức Phật giáo để dễ bề quản lý, nên hội An Nam Phật học tại Campuchia của số cư sĩ nòng cốt này được họ khuyến khích, bảo trợ nhưng luôn có mật thám theo dõi chặt chẽ.

Có một sự kiện đặc biệt xẩy ra trong năm này, là đại đức Nārada, một vị sư uyên bác người Srī Laṅkā, nhân chuyến ghé thăm Sài Gòn, tặng cây Bồ Đề tại chùa Linh Sơn, lưu lại đây một thời gian, sau đó sang Phnôm-Pênh, đến đảnh lễ đức vua Sãi, phó vua Sãi, sau đó ghé chùa Sùng Phước để trao đổi một số Phật sự trong tương lai.

Do ngài Nārada nói được cả Pāḷi, Anh, Pháp nên sự giao lưu ban đầu này đã thắt chặt mối thân hữu, đạo tình cho các sư du học tại Tích Lan sau này; còn là cầu nối mai hậu cho Phật giáo Theravāda phát triển tại Sài Gòn, Gia Định nữa vậy.

 


(1) Sau này là Sư Huệ Nghiêm.

(2) Sau này là Sư Bửu Chơn.