Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 78850 Lượt xem

THỬ MANG ĐẠO TRÀNG VỀ NHÀ

 

Hôm kia, cầm được cái giấy nghỉ phép nửa tháng, trở lại Nam Vang, ông theo chương trình cũ, nhưng thì giờ dành cho mình thì ít mà dành cho mọi người thì nhiều hơn.

Bà thì vẫn với tính cáu gắt cũ, cứ “băng hăng bó hó” rất khó chịu, nhưng ông nhẫn xả quen rồi, chỉ coi như gió thoảng đầu hiên.

Hôm kia, ông khởi lên ý nghĩ:

“ – Đức Phật sau hai năm thành đạo, trở về quê nhà hóa độ cha mẹ, anh em, dòng tộc! Còn mình thì sao? Thật không dám so với đức Phật nhưng ít ra là ‘bà xã’ cũng phải được ảnh hưởng chút nào chớ? Hay là cứ rủ cư sĩ đến nhà mình thọ trì bát quan trai giới, tọa thiền, kinh hành suốt ngày cho bà thấy, rồi từ từ bà sẽ thấm chăng?”

Nghĩ là làm liền. Ông bèn tìm gặp vị Sư Cả chùa Mahāmontrey, nhân một ngày bát quan, trình bày ý tưởng ấy, Sư Cả đồng thuận ngay. Rồi Sư Cả còn hứa tìm chừng mười cư sĩ khá nhất, vững vàng nhất để tạo “năng lực” cho đạo tràng.

Thế là hôm ấy, tại tư gia, buổi sớm, vị Sư Cả đến cho giới rồi về. Mười người cư sĩ nam nữ cùng ông, cứ hành thiền một tiếng là kinh hành mười lăm, hai mươi phút. Trưa, ai cũng có mang cơm nước sẵn, mời ông cùng ăn trong chánh niệm, tỉnh giác. Buổi chiều cũng vậy, lặng lẽ đi theo chương trình. Yên ổn, thanh tịnh cỡ khoảng mười sáu giờ, bất thình lình bà xuất hiện với con dao bàn to ở trên tay. Bà hét lên:

– Nếu mấy người không giải tán thì tôi chém! Tôi sẽ chém ngay!

Mọi người sợ hãi dạt ra. Chỉ có mình ông là cứ ngồi yên. Ông thủng thỉnh nói:

– Ờ, bà ưng thì bà cứ chém! Tui ngồi đây, đang nhắm mắt đây, đang yên lặng đây! Bà cứ chém đi, tui không bỏ chạy đâu!

Nghe nói như thế, bà quăng dao, ôm mặt khóc, tất tả bỏ xuống lầu. Cô con gái lớn, cô Diệu, đi học về, khuyên lơn bà một hồi bà mới chịu nín. Mọi người sợ hãi, lần lượt bỏ về hết, không dám ở tu nữa.

Thế là kế hoạch đem “đạo tràng về nhà” của ông mới chưa được một ngày đã thất bại. Ông suy nghĩ:

“- Lẽ thường, người nữ, bản năng tình yêu rất mạnh, tuy nhiên, từ ‘yêu’ mà biến thành ‘hận’ chỉ cách một sợi tóc; và thế là dễ rơi vào nghiệt chướng, oan trái. Vậy chỉ có cách là nhờ Diệu khuyên bảo ngày đêm. Con bé ấy có tâm đạo, lý trí vững vàng nó sẽ làm được việc ấy. Còn mình, khi bà ‘căng’ thì mình ‘giùn’, khi bà ‘cứng’ thì mình ‘mềm’. Phải rút bớt củi thì lửa mới dần dần tàn rụi. Cuối cùng, là phải rải tâm từ hằng đêm cho bà, nếu không, đến lúc nào đó đã quá muộn, sinh ra hối tiếc cũng không còn kịp nữa! Bà còn là người tốt đấy! Giận quá mất khôn mà thôi! ”

Thế rồi, theo phương kế của ông chỉ dạy, cô Diệu khôn khéo dẫn bà đi chơi chỗ này chỗ kia cho khuây khỏa; thỉnh thoảng kể cho bà nghe những tích truyện hay, về người hiền, người lành, người tốt nhưng không đề cập đến Phật, Bồ Tát, đến chuyện tu hành gì cả. Chỉ như kể chuyện đời. Còn ông thì đêm đêm tưởng hình bóng bà trước mặt rồi trú định tâm từ, xuống cận hành, ban rải năng lượng tâm từ cho bà.

Quả thật, sau một thời gian kết hợp cả hai phương cách như thế thì bà yên, chỉ còn phảng phất cái nét buồn buồn mà thôi! Ông lại còn cố gắng dành thời gian ở nhà thêm một ít, buổi sáng, sau bữa ăn trưa; buổi chiều cũng không vội vã lên thất như trước nữa. Nói chuyện với bà và con cái về chuyện này chuyện kia hoặc thăm hỏi việc học hành của đứa này đứa nọ. Ông tâm niệm, trước sau rồi mình cũng phải đi xuất gia, khi ấy thì để hết thời gian và tâm trí cho giáo pháp, cho mọi người. Còn bây giờ, gia đình có yên thì mình mới yên được. Phải biết nhẫn xả và chờ đợi. Con đường mà đã thấy ánh sáng rồi thì chẳng cần hấp tấp, vội vã nữa, cứ trung đạo mà đi!

Sớm hôm kia, ông ở nhà, thanh thản hít thở và nhìn ngắm mọi vật, mọi sự ở xung quanh. Tất cả nội tâm và ngoại cảnh đều vắng lặng, yên bình…

Có một gia nhân giúp việc từ ngoài cửa đi vào. Tự dưng, ông khởi lên một ý nghĩ vui:

“- Lâu quá mình không dùng khả năng của định lực, bây giờ hãy sử dụng nó, xem thử mình tiến bộ hay là thụt lùi!”.

Thế rồi, ông nhiếp tâm, trú vào một ý nghĩ duy nhất để chỉ huy tư tưởng của người ấy:

“- Hãy đi vào nhà và bước từ từ đến gần chân cầu thang!”

Người gia nhân liền đi vào nhà và đi đến chỗ cầu thang ngay!

“- Bây giờ, hãy đi ra, và trở lại ngoài cửa!”.

Và người kia đã làm đúng như ý nghĩ của ông! Lúc ấy, có đứa con gái út đang nhảy rầm rầm ở phía trong, ông quay lại, khỏi lên ý nghĩ:

“- Nó sẽ không làm ồn nữa, mà nó sẽ đi ra đây, nhè nhẹ bước ra đây rồi cũng nhè nhẹ ngồi trên bắp vế của mình!”.

Quả thật, sau đó, sự việc xẩy ra đúng như vậy. Ông thầm vui trong lòng vì phát giác ra một kinh nghiệm mới. Là không cần trú định lâu, chỉ cần miên tục niệm hơi thở – định có tuệ chiếu soi – thì năng lực định không những không suy giảm mà lại càng tiến bộ! Nhờ thử năng lực định sớm hôm đó nên khi nào, ông thấy bà bắt đầu có dấu hiệu không tốt, là ông lại trú tâm, hướng đến bà, khởi lên ý nghĩ:

“- Thôi mà bà, xả đi, xả đi, thư giãn đi nào, buông xả đi nào!?”

Thế là lập tức ông thấy có hiệu quả ngay! Tìm ra phương pháp đối trị ấy, ông rất hạnh phúc, biết là rồi nhà cửa sẽ yên ấm, bà không thể “quậy” ông được nữa đâu; và rồi chí hướng của mình sẽ thuận chèo, mát mái, sẽ thành tựu tốt đẹp thôi. Hiện tại, cái trái cây nhân duyên kia đang còn xanh, phải đợi thời gian nó mới chín muồi được! Phải biết chờ đợi cũng là thái độ của bậc trí.