Thắp lửa tâm linh

07/09/2012 | Chuyên mục: SÁCH . 79058 Lượt xem

PHANH LẦN RA CON ĐƯỜNG

 

Từ đấy, ông trở về cốc cũ tại chùa Mahāmontrey. Ngoài thì giờ tu thiền định như lệ thường, ông để tâm tìm hiểu tu cách chi cho diệt hết các khổ, những phiền não ngủ ngầm trong tâm. Hôm kia, vớ được quyển kinh Kim Cang Bát Nhã, đọc thử, thấy hay; vì ở đây có nói đến tánh không rốt ráo, giải thoát rốt ráo! Nhưng mà chỉ có nói mà thôi, nói gỡ tất cả mọi danh từ chữ nghĩa, gỡ tất cả mọi dính mắc, mọi thấy biết, mọi kiến chấp! Tuyệt! Nhưng  ông  thử  đọc  đi đọc lại  xem có chỗ nào chỉ dạy cách tu, phương pháp tu từ cạn vào sâu, từ  thấp lên cao  như thế nào thì không hề thấy!

Ông tự nghĩ:

– Nói cho hay mà làm gì? Có người nói hay lắm nhưng ngũ giới cũng không giữ được, ích gì!

Rồi ông bỏ, không xem nữa.

Đêm kia, trước giờ hành thiền, niệm Phật xong,  Buddho! Buddho! chừng mươi phút, ông chấp tay lên trán, nguyện rằng: “Nếu con không có duyên với Phật Pháp thì hãy để con chết quách cho xong; bằng có duyên tu hành từ kiếp trước, hãy cho con gặp được chánh pháp, có lộ trình tu tập đàng hoàng, có bản đồ chỉ đường không có sai lạc; trước để diệt xan tham, sân si trăm mối khổ cho mình, sau nữa để giúp mọi người cùng tu theo, cùng thoát khổ theo!”. Nguyện xong thấy lặng ngắt, trong ngoài đều lặng lẽ; và hốt nhiên, kỳ diệu thay, trong đầu thoáng hiện ra ba chữ Bát chánh đạo! Bàng hoàng quá mà cũng vui mừng quá, ngồi xếp bằng trở lại, ông suy nghĩ, suy nghĩ…! Chẳng biết cái gì cả! Thế ra chỉ nhớ có cái tên, còn ý nghĩa của ba chữ đó nó như thế nào thì ông hoàn toàn mù tịt! Tuy nhiên, lạ lùng làm sao, chỉ nhớ được ba cái chữ ấy thôi mà sao cả người đều thơ thới, mát mẻ và an vui như có làn gió thanh lương rười rượi thổi khắp cả lục phủ ngũ tạng! Ông quyết chắc rằng: “Đây đúng là chơn lý như thật rồi! Chư thần linh linh thiêng, do thấy mình có lòng thành, đã mách bảo cho mình đây! Bây giờ, hãy từ ba chữ này mà phanh lần ra, không trật đi đâu được!”.

Trời rạng đông, thức dậy rửa mặt, mặc y phục, không kịp ăn điểm tâm sáng, ông tìm đến gặp đại đức trụ trì chùa phó vua Sãi (1), vị này hiện là hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi. Tại thất riêng, ông quỳ bạch, trình bày lý do đột ngột đến thăm, chỉ cần xin hỏi ý nghĩa đầy đủ, rõ ràng về Bát chánh đạo.

Vị đại đức chăm chăm nhìn ông, một lát rồi dồn dập những câu hỏi:

– Ông là ai? Ở đâu? Có phải là cư sĩ Phật tử không? Đã tu chưa? Tu bao lâu? Tu với ai? Pháp môn nào? Đề mục gì? Lý do tại làm sao mà chỉ hỏi có mỗi một Bát chánh đạo thôi?!

Ông quỳ bạch, xin lỗi. Rồi sau đó ông tuần tự kể lại lai lịch xuất thân, sinh quán, sở học, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, sự thao thức, trăn trở con đường tu tập; và đã từng tu tập như thế nào… Mỗi mỗi đều được kể lại, tuy tóm tắt nhưng khá đầy đủ cho vị đại đức nghe!

Vị đại đức thốt lên:

– Hiếm có, hiếm có! Và cũng thật là kỳ lạ và phi thường! Có lẽ ông là người đầu tiên mà tôi gặp được ở trong đời, lại có lộ trình tu tập gian lao, đã dày công, đã tự lần dò khổ ải đến như vậy!

Nghỉ một lát, vị đại đức tiếp:

– Tất cả mọi định ấy đều không sai, chỉ là nó còn thiếu. Định, phải có tuệ mới thoát tất cả khổ được! Ông có duyên lành với Phật Pháp. Và đúng, chư Phật xưa cũng nhờ tìm ra Bát chánh đạo mới diệt tận vô minh, phiền não được đó!

Dzậy xin đại đức từ bi giảng giải cặn kẽ cho con nghe về Bát chánh đạo!

– Ờ, tôi giảng cũng được, nhưng thì giờ tôi không  có nhiều. Tôi lại sắp lên trường. Ông là người có trình độ, vậy tiện cho việc nghiên cứu sâu rộng, tôi giới thiệu ông đến Pháp bảo viện của đức vua , ở đấy là cả một thư viện Phật học!

– Tiếng Miên con nói được nhưng chữ Miên thì con không đọc được!

– Không sao! Vị sư cười xòa – Kinh sách chữ Miên, chữ Hán, chữ Pháp gì ở đó cũng có cả! Chữ Pháp thì người Tây đã dịch được một số kinh sách từ tạng Pāḷi. Ông rành rõi tiếng Pháp nên có thể đọc tất cả mọi loại kinh sách tiếng Pháp. Tôi nhớ không lầm thì ở đó có một quyển sách nhỏ nói về Tứ diệu đế, bản Pháp ngữ, người ta đã soạn dịch khá chuẩn xác. Bát chánh đạo nó nằm nơi chỗ Đạo đế!

Ông ngần ngại:

– Chắc chắn có một số thuật ngữ Phật học, con sẽ va vấp, không nắm được, không hiểu được.

– Không sao, ông cứ ghi chú tất cả lên sổ tay, hôm nào có dịp, tôi sẽ giải thích cho! Ồ không, ông là bậc trí thức lại tu tập tốt quá, vậy phải nói là chúng ta sẽ đàm đạo!

– Dạ, đàm đạo thì con không dám!

Trước khi ra về, vị đại đức khuyên:

     – Hãy học thêm tiếng Miên, tiếng Pāḷi để tiện cho việc đi sâu vào giáo điển. Sau này, ông bạn sẽ hữu ích cho rất nhiều người, biết đâu ông sẽ truyền bá được giáo pháp chân truyền sang đất nước ViệtNam! Phải không?

Cúi đầu, đảnh lễ, ông cảm ơn rối rít, có cảm giác như gặp được một người bạn đạo hoặc là một bậc thầy đã lâu xa đâu từ kiếp trước!

Không chần chờ phút giây nào, ông tìm đến Pháp bảo viện. Ông trình bày ước nguyện với vị quản thủ thư viện, rồi vị này vui vẻ tìm kiếm quyển Tứ diệu đế cho ông. Hóa ra chỉ là một tập sách nhỏ, bản Pháp ngữ. Thế rồi, ông ngồi đọc, đọc suốt cho đến mười bốn giờ rưỡi, quên cả ăn, cả uống. Nhắm mắt lại, hồi tưởng những ý nghĩa bên trong, rồi dường như thỏa thích, hỷ lạc quên cả thời gian. Mở mắt ra, ông đọc nữa, đọc cho đến tối, và cũng có cảm giác hỷ lạc đầy ắp cả người như thế.

Quyển sách đã đọc xong, nhưng ông còn muốn đọc đi đọc lại nhiều lần nữa nên ký mượn, mang về. Từ đó, quyển Tứ diệu đế là sách gối đầu giường, đi đâu ông cũng mang theo, giữ gìn rất trân quý! Tuy nhiên, có nhiều điều ông chưa hiểu. Có một số thuật ngữ vẫn chưa nuốt trôi. Biết hỏi ai? Sư Cả chùa Mahāmontrey thì ngài đã nói là ngài không có bao lăm chữ nghĩa. Lên chùa phó vua Sãi mấy lần đều không gặp vị đại đức kia. Tối về hành thiền, ông cứ lấn cấn không biết niệm gì trong chánh niệm? Chánh niệm này có chắc là người Pháp diễn nghĩa đúng không? Rồi suốt mấy ngày, ông đi lang thang thăm hỏi các ngôi chùa lớn mong gặp các vị A-xà-lê uyên thâm Phật pháp sẽ giảng giải thắc mắc cho ông. Riết rồi cũng gặp được một vị khách Tăng ngay tại chùa của Sư Cả. Biết ông là người hiếu học, vị sư lắng nghe rất chăm chú.

Sau khi kể lại lịch trình tu tập của mình, rồi kể lại câu chuyện Bát chánh đạo cho vị sư nghe, mong muốn học hỏi về giáo pháp để tu tập cho đúng đắn. Ngài đại đức này còn trẻ nhưng đã học thuộc nằm lòng một tạng kinh nên đã vừa đọc, vừa giảng rồi còn cẩn thận bảo ông ghi chép cho thật đầy đủ những đoạn kinh nói về Bát chánh đạo(2).

Xong, vị sư ấy nhấn mạnh:

– Ông hãy nghe cho kỹ đây. Chữ  sammādiṭṭhi – thì sammā là chánh, chơn, đúng, chính xác, trọn vẹn, chơn thực, toàn diện…; còn diṭṭhi là quan điểm, là kiến thức, là giáo lý, học thuyết, là nhận thức, là kiến, là thấy. Vậy sammādiṭṭhi là thấy biết chơn chánh, như thực, toàn diện… không nghiêng lệch, xiêng tà. Rồi từ cái thấy biết chơn chánh, như thực, toàn diện ấy mà suy nghĩ, chọn lựa, phân tích, xác định này nọ thì gọi là sammāsaṅkappa là tư duy đúng đắn, suy nghĩ như chơn, như thực, toàn diện… Hai cái sammā đầu tiên trong Bát chánh đạo này thuộc về trí, về tuệ nên nó còn một nghĩa thứ hai thuộc về tu tập, thực hành đó là: Sammādiṭṭhi là thấy rõ Tứ đế, Tam tướng, Ngũ uẩn, Thập nhị duyên khởi; sammāsaṅkappa là không suy nghĩ, không khởi tâm sân hận, ác độc, não hại, tham dục, ái dục… để hại mình, hại người. Tôi nói thế ông có nắm vững được không?

– Thưa, chỉ mới nghe vậy, ghi nhớ, ghi nhận vậy chứ chưa nắm vững…

– Tốt! Vị sư cười – Đầu tiên, ai cũng phải thế! Ngoài da trước, võ não trước; đến giai đoạn tư duy, chiêm nghiệm nó mới thấm dần vào bên trong; sau đó gia công, trì chí, tinh cần tu tập mới là lộ trình đích thực và trọn vẹn.

– Thưa vâng!

Rồi tiếp theo vị sư trẻ nói về chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là sao? Chúng thuộc về thu thúc, ngăn giữ thân khẩu cho tốt lành, trong sạch, thánh hạnh như thế nào! Kế nữa là tấn, niệm, định. Đến chỗ niệm, định, vị ấy nhấn mạnh: 

Niệm cũng đó, định cũng đó mà tuệ cũng đó. Chưa nói đến những đề mục thiền định khác, chỉ nói về hơi thở thôi. Niệm hơi thở, chú mục vào hơi thở, an trú vào hơi thở; nếu hơi thở nhẹ nhàng, lắng dứt, nhất điểm, sáng trong thì ông sẽ đi vào định. Cũng như vậy, an trú vào hơi thở mà quan sát, lắng nghe những tác động nơi sắc thân, nơi cảm giác, nơi tri giác, nơi tâm hành, nơi ý thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) sẽ phát sanh tuệ. Nói cách khác, sammāsati, chánh niệm, không phải có một “cái chánh” để niệm, để nắm bắt, ghi nhận. Mà cái gì xảy đến, đối tượng nào đi qua thân tâm chúng ta, chúng như thế nào thì nắm bắt cho thật trung thực, khách quan. Có bốn chỗ niệm như thế đó là thân, thọ, tâm và pháp. Cuối cùng, chỉ phát sanh tuệ khi thấy rõ được vô thường, khổ và vô ngã của pháp. Ông hãy nhớ rõ như vậy!

Nghe xong, ông rùng mình, có cảm giác rất thân quen lời dạy này. Dẫu chưa hiểu sâu nhưng ông cũng mang máng hiểu; và ông biết, ông sẽ thực hành được.

Tối đó, về lại cốc, ông tự tin đi vào niệm hơi thở. Từ mười chín giờ tối đến mười hai giờ khuya mà ông thấy sao mau quá. Xả thiền, đi tiểu, ông chợt nghe tiếng rên từ cốc của ông thân sinh. Bước qua thăm hỏi. Ông thân đáp:

– Ba đau bụng kiết! Thuốc ống có sẵn, ba để trong tủ (ông chỉ chỗ) con về lấy tiêm cho ba!

Ông liền vào chùa lấy xe máy chạy về nhà, trên xe, ông cũng chú tâm vào đề mục hơi thở. Vì quá chú tâm vào hơi thở nên khi qua đường rầy xe lửa, xe bị trượt, ông bị văng ra khỏi xe một khoảng khá xa mà chẳng thấy có cảm giác gì! Đứng dậy, phủi sơ sơ trên người, lên xe, đi tiếp. Vào nhà, lấy thuốc xong, về chùa tiêm thuốc cho ông thân. Xong xuôi, ông trở lại cốc, ngồi thiền cho đến sáng!

Trời rạng, chừng hơn năm giờ, xả thiền, ông thấy hai ống quyển hơi đau, cúi xuống xem thì thấy hai ống quần máu thấm đỏ lòm, vải dính vào da. Hóa ra ông bị thương, xương chưa dập, chưa gãy nhưng đau rát lắm. Có cái gì lóe sáng, ông bình tĩnh cứ để yên vậy, tự nghĩ: “Đau chỉ là đau thôi, chẳng ai thọ đau ở đó cả! Tuyệt! Ta đã thấy bóng dáng của vô ngã rồi! Theo đó, cái đau kia cũng theo định luật vô thường cả thôi! Ôi! Cái thân đau, kệ nó chớ – làm sao nó có khả năng làm tâm ta khổ theo được!” Ông tủm tỉm cười, cảm thấy hạnh phúc quá! Cái hạnh phúc này quả là kỳ diệu! Đau mà bảo là hạnh phúc thì ai tin?

Hân hoan, thư thái, ông nhờ người chở đến bệnh viện băng bó vết thương mà thấy nhẹ nhàng như không có chuyện gì xẩy ra.

Rồi cứ thế, bắt đầu từ hôm đó, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, đi đứng nằm ngồi gì, trên xe máy hoặc tại công sở, ông cũng niệm hơi thở, không lơ là, không dứt đoạn; chẳng có phiền não, xan tham, sân si gì gì len vào tâm ông được. Cũng nhờ vậy mà thân khẩu ý của ông đều thanh tịnh, không lầm lỗi. Cũng nhờ vậy mà tâm ông lắng trong, trí ông sáng suốt. Từ chánh niệm, chánh định ông hiểu rõ hơn nữa về chánh kiến, chánh tư duy; còn chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thì không có gì khúc mắt! Hóa ra, trọn vẹn Bát chánh đạo nó nằm nơi Giới, Định và Tuệ! Và sự tu tập, hóa ra nó nằm nơi Tứ niệm xứ!

Và cũng từ đây, do chăm chăm chú chú ở nơi tâm, ông không còn nói chuyện chi với ai được nữa!

 


(1) Trưởng lão Hout That – sau này là đức phó vua Sãi.

(2) Thật ra, phải gọi là Bát chi đạo (Aṭṭhagikamagga) hay Bát thánh đạo (A riyaṭṭhagikamagga).